Chuyến thám hiểm đầu tiên xuống đáy một giếng sa mạc đã khiến các chuyên gia đều phải kinh ngạc.
Ở rìa phía Đông của Yemen, cách xa thành phố và những con đường đông đúc, có một “hố đen” nằm trên sa mạc. Được miêu tả trông giống như một con mắt khổng lồ, đây là một chiếc giếng sâu thẳm có tên gọi là giếng Barhout hay “Giếng địa ngục”.
Nếu không có sự trợ giúp của những sợi dây thừng dài, bất cứ thứ gì rơi xuống giếng sâu 116m này sẽ không thể thoát ra được.
Giếng Barhout nhìn từ trên xuống. Ảnh: AFP |
Trong nhiều thế kỷ, những truyền thuyết hay câu chuyện rùng rợn đã xoay quanh giếng Barhout. Người ta đồn rằng việc ghé thăm hoặc thậm chí nói về nó có thể mang lại điều không may mắn.
Theo truyền thuyết địa phương, giếng Barhout được tạo ra như một nhà tù dành cho ma quỷ. Câu chuyện này thuyết phục được khá nhiều người vì mùi hôi thối bốc ra từ giếng.
Lối vào chiếc giếng “bị nguyền rủa”. Ảnh: AFP |
Về mặt khoa học, ngay cả các nhà nghiên cứu và nhà thám hiểm Yemen cũng không thể tới được đáy, vì lượng oxy thấp buộc họ trở lại bề mặt.
Do đó, chưa có ai từng kiểm tra, đi xuống tận cùng để xác định chính xác độ sâu là bao nhiêu.
Nhà địa chất và thợ thám hiểm Mohammad Al-Kindi trở thành người đầu tiên đi xuống giếng Barhout. Ông cho hay: “Người dân địa phương luôn nói với chúng tôi về những giọng nói lạ hoặc tiếng người la hét bên dưới. Họ cũng đề cập đến động vật hoang dã và rằng không khí ở đó rất tệ. Bạn sẽ không thể thở được”.
Bất chấp tất cả những lời cảnh báo đó, Al-Kindi vẫn thực hiện chuyến thám hiểm gây nhiều tò mò này.
Trong khi 2 thành viên nhóm OCET giữ các sợi dây ở phía trên mặt thì 5 người khác leo xuống đáy giếng. Ảnh: AL-KINDI |
Theo đó, Al-Kindi và 6 thành viên khác của Đội thám hiểm hang động Oman (OCET) đã bắt đầu cuộc khám phá đáy giếng Barhout trước sự quan sát của toàn thế giới. Sau 1 tiếng rưỡi chuẩn bị, Al-Kindi là người đầu tiên trong số các thành viên của nhóm leo xuống.
Ngoài mối lo về động vật hoang dã và thiếu oxy, các nhà khoa học còn phải đối mặt với vấn đề còn đáng sợ hơn là bom mìn chưa nổ.
Kể từ năm 2014, Yemen đã xảy ra một cuộc nội chiến đẫm máu và các phi công đôi khi thả bom vào hang động vì cho rằng mọi người có thể tìm nơi trú ẩn bên trong.
Tổng cộng, nhóm phải mất khoảng 4 đến 5 giờ để khám phá đáy giếng. Al-Kindi cho biết có “vô số trầm tích hang động tuyệt đẹp”, bao gồm măng đá, nhũ đá và thậm chí cả ngọc trai hang động lấp lánh bên dưới thác nước ngầm.
Nhà thám hiểm tiết lộ: “Nơi đây cũng có loại hệ sinh thái riêng với cóc, rắn, bọ cánh cứng, chim và thằn lằn”. Đối với Al-Kindi, toàn bộ trải nghiệm này “khá ngoạn mục”.
Các nhà thám hiểm tìm thấy những con rắn kỳ lạ, gần như trong suốt và những cụm ngọc trai khắp hang động. Ảnh: AL-KINDI |
Mục tiêu của chuyến thám hiểm là thực hiện những nghiên cứu được ghi chép đầu tiên về đáy giếng và làm rõ những tin đồn trước đó. Chẳng hạn, từ lâu đã có lời đồn về một mùi khủng khiếp bốc lên từ đáy giếng.
Tuy nhiên, Al-Kindi cho biết hầu hết hang động đều có mùi thơm, ngoại trừ một số khu vực nhất định và giải thích rằng “đó chỉ là do xác của một số loài chim rơi xuống đáy và khi chúng phân hủy sẽ có mùi rất khó chịu”.
Trong khi phần miệng ở đỉnh giếng có chiều ngang khoảng 30m thì phần đáy hang rộng tới 112m. Theo các nhà thám hiểm, giếng này sâu khoảng 116m xuyên qua 2 lớp đá.
Lớp trên cùng dày tầm 61m, “xốp và dễ thấm” cho phép nước lọc xuống lớp thứ 2 ít thấm hơn. Tại đó nước chảy vào hang, tạo ra 4 thác nước cao 46m.
Thác nước nhỏ bên trong hang. Ảnh: AL-KINDI |
Ngoài ra, Al-Kindi kể rằng có thời điểm một đám đông gồm 80 người dân địa phương đã tụ tập để xem những người khám phá hang động. Lúc đầu, họ đưa ra đầy những lời cảnh báo, nhưng khi thấy Al-Kindi leo lên mà không hề hấn gì, họ tụ tập xung quanh và hỏi anh đã nhìn thấy gì.
Nhà địa chất đã cho họ xem ảnh và thậm chí đưa cho họ mẫu nước trong giếng. Khi tin tức về chuyến thám hiểm lan rộng, Al-Kindi hy vọng rằng những phát hiện này sẽ khiến mọi người yên tâm hơn.
Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ những gì chúng tôi đã làm ở đây là cần thiết, bởi vì chúng tôi đã thay đổi suy nghĩ của mọi người về nơi này”.
>> Phát hiện hành lang bí mật trong Đại kim tự tháp Ai Cập, bí ẩn chôn vùi 4.500 năm bị bóc trần?