Hé lộ cách giúp Trung Quốc vượt qua tình trạng thiếu hụt lao động
Các robot đang được sử dụng ngày càng nhiều trong công việc lắp ráp, chế tạo, sản xuất tại Trung Quốc khi nền kinh tế số hai thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Theo các báo cáo từ truyền thông địa phương, một nhà sản xuất robot tại Trung Quốc đã nhận được hơn 500 đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất ô tô cho dòng robot công nghiệp hình người. Đây là một bước tiến có thể sớm giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc.
Ra mắt chính thức vào thứ Hai (ngày 14/10), Robot Walker S1 của công ty UBTech hiện đã bắt đầu được thử nghiệm tại các nhà máy, trong đó có nhà máy của BYD – nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Robot này hoạt động song song với các phương tiện hậu cần không người lái và các hệ thống quản lý sản xuất thông minh, được xem là hệ thống đầu tiên trên thế giới có thể tự động hóa các quy trình sản xuất quy mô lớn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Seashell Finance thuộc Beijing News hồi tháng trước, ông Tan Min, Giám đốc thương hiệu của UBTech, cho biết hiện tại khoảng 70% khối lượng công việc trong các nhà máy tự động do các cánh tay robot thực hiện. UBTech đang đặt mục tiêu tăng thêm 20% khối lượng công việc do robot đảm nhận và con người sẽ tập trung vào nhiệm vụ quản lý thiết bị.
Việc tăng cường sử dụng các robot hình người phục vụ cho công việc diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội đã dự đoán từ năm 2017 rằng các ngành công nghiệp lớn, bao gồm ô tô, sẽ thiếu hụt khoảng 30 triệu lao động vào năm 2025.
Một báo cáo của Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin Trung Quốc vào tháng 4 cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trong ngành xe năng lượng mới đã tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là từ các doanh nghiệp nhà nước đang tìm kiếm lao động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang gặp khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật tay nghề cao, trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học đạt mức kỷ lục nhưng lại không đam mê với công việc lao động chân tay.
Robot hình người với khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau được kỳ vọng sẽ giảm thiểu nhu cầu lao động trong các nhà máy sản xuất. Walker S1 có chiều cao 172 cm và nặng 76 kg, tương đương với một con người. Robot này có thể thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, vận chuyển các kiện hàng với kích thước khác nhau, sử dụng tua vít điện để siết ốc, lắp ráp các bộ phận và phân loại linh kiện.
Theo thông tin từ UBTech, việc sử dụng robot hình người có thể giúp bảo vệ công nhân khỏi các chấn thương thể chất do nâng vác nặng trong thời gian dài, tránh tiếp xúc với các chất độc hại, cũng như tránh những công việc nhàm chán, thường lặp đi lặp lại. UBTech, với sự hỗ trợ từ Tencent, đã chính thức lên sàn chứng khoán Hồng Kông vào tháng 12 năm ngoái. Ngoài BYD, UBTech còn có các khách hàng khác trong ngành ô tô như Dongfeng Motor, liên doanh FAW-Volkswagen, và Geely, công ty có trụ sở tại Hàng Châu. UBTech cũng hợp tác với nhà sản xuất thiết bị điện tử Foxconn và công ty hậu cần SF Express để tự động hóa quy trình hoạt động trên quy mô lớn.
>> Apple từng bí mật hợp tác với 'gã khổng lồ' xe điện Trung Quốc
Apple từng bí mật hợp tác với 'gã khổng lồ' xe điện Trung Quốc
Kết quả nghiên cứu thú vị: Xe điện giúp tăng cơ hội hẹn hò cho chủ sở hữu