Hé lộ hướng đi tương lai của thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam
Thành phố này sẽ tập trung phát triển 11 khu vực trọng điểm nhằm kích thích kinh tế, sáng tạo, đổi mới.
UBND TP. HCM đã trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM đến năm 2040.
Theo đó, quy mô lập quy hoạch bao gồm toàn bộ khu vực địa giới hành chính của TP. Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên 21.157ha.
Về định hướng không gian phát triển, đồ án tập trung phát triển 11 khu vực trọng điểm nhằm kích thích kinh tế, sáng tạo, đổi mới.
Các trung tâm này gồm: Khu trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; khu vực Cát Lái - Trương Văn Bang; khu đô thị thể dục thể thao Rạch Chiếc; khu vực đô thị thương mại, văn hoá, sáng tạo, tương tác cao Trường Thọ; khu đô thị - công viên Tam Phú; khu hỗn hợp sản xuất - kinh doanh - dịch vụ - đào tạo - đô thị Linh Trung; khu công nghệ cao TP. HCM.
Khu công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, công viên chuyên đề, du lịch sinh thái, tôn giáo; khu công viên khoa học công nghệ cao TP. HCM; khu đô thị tri thức và công nghệ cao, công nghệ tiên tiến ở khu vực Long Phước - Tam Đa; khu Đại học quốc gia TP. HCM - trung tâm công nghệ giáo dục và khu tái định cư.
TP. Thủ Đức cũng được tổ chức thành một đô thị đa trung tâm, với các trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu vực Trường Thọ, khu vực Long Phước. Đặc biệt, phát triển khu vực Thủ Thiêm thành trung tâm của TP. Thủ Đức và TP. HCM, với tính chất chính là khu đô thị thương mại, tài chính dịch vụ hiện đại, phát huy giá trị của khu đô thị trung tâm và công viên rừng ngập mặn ven sông Sài Gòn, kết nối với khu trung tâm hiện hữu của TP. HCM.
Về giao thông công cộng, phát triển mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn, trục chính, tích hợp xe buýt, buýt sông, xe đạp công cộng… đáp ứng 50-60% nhu cầu cầu đi lại năm 2040; bổ sung các tuyến đường sắt đô thị để nâng cao khả năng tiếp cận cho hành lang khu vực phía Đông.
Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM.
Theo đó, TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
Sau khi thành lập, TP. Thủ Đức có diện tích hơn 210km2 và quy mô dân số trên 1 triệu người. Như vậy, hiện nay Thủ Đức là thành phố đầu tiên và duy nhất thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
>> Sau khi có Nghị định mới, quy định về giá đất được thay đổi như thế nào?
TP. HCM kêu gọi đầu tư dự án trung tâm quận 1, cứu người dân thoát khỏi cảnh 'chia ca để ngủ'
TP. HCM trao thưởng 5 tỷ cho ý tưởng 'hồi sinh' bán đảo treo hơn 30 năm giữa lòng thành phố