Hiến 'kế' để 'cứu nguy' cho dự án cao tốc hơn 19.000 tỷ trước nguy cơ 'lỗi hẹn' về đích
Trước tình trạng khan hiếm nguồn đất đắp phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBKT Quốc hội đã đề nghị thu hồi vật liệu san lấp một phần từ sân bay Long Thành để phục vụ cho dự án cao tốc.
Nỗi lo 'thiếu đất', 'lỗi hẹn' với người dân
Sau khi hoàn thành, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ kết nối vào các dự án trọng điểm khác thuộc khu vực Đông Nam Bộ, tạo ra được những tuyến giao thông huyết mạch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong giai đoạn gấp rút về đích, dự án này hiện đang đối diện với nỗi lo lớn khi chủ đầu tư dự án chưa tìm ra được nguồn đất đắp mới.
Đại diện BQLDA 85 (Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án thành phần 2) cho hay đang tổ chức các mũi thi công đồng loạt, nhưng điều khiến họ lo lắng là nguồn đất đắp để thi công đồng bộ trên tuyến.
Nhìn nhận chung về tình hình hiện tại, đại diện BQLDA 85 khẳng định khả năng cung cấp của các mỏ thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay vẫn còn khá nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ở những mỏ được đề xuất hiện đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, chưa được địa phương chấp thuận chủ trương khai thác. Trong khi đó, nguồn đất đắp tại sân bay Long Thành, nhà thầu đã xin khai thác theo cơ chế đặc thù để có nguồn đất đắp kịp thời cho dự án cao tốc, hiện vẫn đang chờ các cấp có thẩm quyền quyết định.
UBKT Quốc hội vào cuộc, "gỡ khó" cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Trước thực trạng này, Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị xem xét và chấp thuận chủ trương cho phép thu hồi vật liệu san lấp tại một phần của khu vực 187ha, quy hoạch nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành (giai đoạn 2) nhằm tạo nguồn đất đắp phục vụ thi công Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, dựa trên cơ sở nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai cũng như kết quả giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (11/1/2022) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, trong đó có Dự án Sân bay Long Thành và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Một trong những giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn và vướng mắc được nêu ra tại Nghị quyết số 140 là đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ quản rà soát, tổng hợp và báo cáo các cấp có thẩm quyền tiến hành xem xét, quyết định đối với việc nghiên cứu sử dụng khối lượng đất chưa sử dụng của giai đoạn 2 từ khu vực quy hoạch nhà ga T3 Sân bay Long Thành nhằm phục vụ nhu cầu đất đắp nền cho Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi UB Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét chấp thuận chủ trương cho phép thu hồi vật liệu san lấp tại một phần khu vực 187ha quy hoạch nhà ga T3 Sân bay Long Thành (giai đoạn 2), nhằm tạo nguồn đất đắp phục vụ thi công cho Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh.
Cũng trong văn bản này, UBND tỉnh cho biết sẽ tiến hành tính toán và bổ sung quy hoạch khai thác vật liệu san lấp nhằm cung cấp cho việc san lấp Dự án sân bay Long Thành khi triển khai giai đoạn tiếp theo.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ đi qua 2 tỉnh gồm Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chiều dài 53,7km, trong đó đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5km và Đồng Nai dài 34km.
Tuyến cao tốc có điểm đầu kết nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 - đoạn qua TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và điểm cuối giao với Quốc lộ 56 (TP. Bà Rịa - Vũng Tàu), có tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được chia làm 3 thành phần gồm: Dự án thành phần 1 dài 16km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; dự án thành phần 2 dài 18,2km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; dự án thành phần 3 dài 19,5km trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu.
>> Hạng mục 46 tỷ đồng được ưu tiên của dự án sân bay lớn nhất Việt Nam sắp 'cán đích'