Xã hội

Hiệu ứng nhà kính, thủ phạm tạo ra siêu bão

Nguyễn Quý 12/09/2024 - 07:43

Hiệu ứng nhà kính mà điển hình là hiện tượng nước biển ấm lên đang là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều hơn những cơn siêu bão như bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Các cơn bão ngày càng dữ dội hơn

Năm 2013, cơn bão Haiyan với sức gió siêu cường 370 km/h đổ bộ vào Philippines đã khiến hơn 4.000 người chết, 12.500 người bị thương và gần 3 triệu người không còn nơi trú ẩn. Theo ước tính, thiệt hại do cơn bão này lên đến 14,5 tỷ USD. Cuối tháng 7/2024, cơn bão Gaemi đổ bộ vào Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), gây ra lũ lụt và lở đất, phá hủy nhiều công trình xây dựng, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Gió mạnh tới 233km/giờ đã đánh chìm hai con tàu lớn, gây lũ lụt khiến nước ngập sâu ở Manila (Philippines).

Bão Yagi gây thiệt hại nặng nề khi đổ bộ vào nước ta. Ảnh: Thạch Thảo
Bão Yagi gây thiệt hại nặng nề khi đổ bộ vào nước ta. Ảnh: Thạch Thảo

Cả 3 trung tâm dự báo thời tiết lớn trên thế giới - Trung tâm Dự báo thời tiết Mỹ (NHC), Trung tâm Khí tượng Nhật Bản (JMA), và Trung tâm Khí tượng Trung Quốc (CMA) - đều thống nhất rằng cơn bão số 3 - bão Yagi (9/2024) sẽ có cường độ rất mạnh khi tiến vào Biển Đông và khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng khi đổ bộ vào Việt Nam.

Bão Yagi, ban đầu hình thành từ áp thấp nhiệt đới ngoài khơi ở Philippines, sau đó đạt đỉnh với sức gió duy trì tối đa lên tới 150 mph (khoảng 240 km/h, tương đương bão cấp 4), khiến ít nhất 13 người đã thiệt mạng ở Philippines do lũ lụt và lở đất. Bão Yagi mang theo gió mạnh và mưa lớn tại Trung Quốc, sau khi đổ bộ vào các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông ngày 6/9 đã làm 3 người thiệt mạng và 95 người bị thương, gây mất điện trên diện rộng và khiến hàng loạt cây cối bật gốc, nhà cửa hư hại nghiêm trọng... Chính quyền các địa phương trên đã sơ tán hơn 400.000 người để tránh bão.

Tại Việt Nam, siêu bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, TP). Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...

Nhiều tỉnh đã chịu thiệt hại rất lớn về người như Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Phú Thọ... Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), các địa phương đã thống kê bước đầu một số thiệt hại tính đến 13 giờ 30 phút ngày 11/9/2024 đã có 296 người chết, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích).

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính

Trước khi vào Biển Đông, Yagi chỉ là một cơn bão nhiệt đới với sức gió tối đa là 90km/giờ, nhưng đã nhanh chóng mạnh lên với gió giật trên cấp 16 nhờ điều kiện vô cùng thuận lợi là mặt biển ấm... Trong quá trình phân tích đường đi của bão, các nhà khoa học phát hiện nhiệt độ nước biển quanh Philippines trung bình trên 310C. Trong khi đó, nhiệt độ nước biển từ 29 0C trở lên có thể cung cấp đủ năng lượng để cơn bão đạt đến sức mạnh tối đa. Trước đó, hồi tháng 8, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cũng cảnh báo nhiệt độ nước biển ở khu vực Thái Bình Dương đang tăng với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu.

Biến đổi khí hậu đang làm các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, theo đó bão có thể trút nhiều nước hơn vào một chỗ. Phân tích của các nhà nghiên cứu từ tổ chức đánh giá về thời tiết trên thế giới WWA cho thấy, hiện tượng nóng lên toàn cầu và việc đốt nhiên liệu hóa thạch khiến tốc độ của các cơn bão như Gaemi hay Yagi nhanh hơn và lượng mưa cao hơn thông thường.

Tiến sĩ Ben Clarke, thuộc Đại học Hoàng gia London và là thành viên của nhóm WWA cho biết: "Sự nóng lên do nhiên liệu hóa thạch đang mở ra một kỷ nguyên mới của những cơn bão lớn hơn, chết chóc hơn. Châu Á sẽ trở thành nơi ngày càng nguy hiểm bởi những cơn bão kiểu này cho đến khi nhiên liệu hóa thạch được thay thế bằng năng lượng tái tạo".

Không chỉ gây ra những cơn bão mạnh hơn, hiệu ứng nhà kính còn làm tăng mực nước biển dâng, gia tăng nguy cơ ngập lụt ở các vùng ven biển. Khi các cơn bão kết hợp với hiện tượng nước biển dâng, hậu quả sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của các cơn siêu bão, chúng ta cần có những giải pháp toàn diện.

Trước hết, việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các công nghệ năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện là vô cùng cấp thiết. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực dự báo thời tiết và thiên tai, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, đầu tư vào các công trình hạ tầng chống chịu thiên tai, trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái cũng là những giải pháp quan trọng. Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và khuyến khích mọi người thay đổi hành vi tiêu dùng là điều cần thiết để đạt được mục tiêu chung.

Theo nghiên cứu “Những thay đổi về quỹ đạo của xoáy thuận nhiệt đới ở Đông Nam Á trong điều kiện khí hậu ấm lên” đăng tải trên tạp chí nghiên cứu Climate and Atmospheric Science vào tháng 7/2024, các nhà khoa học đã chỉ rõ biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với các quốc gia Đông Nam Á. Đáng chú ý là các mối nguy hiểm ven biển, trong điều kiện khí hậu ấm lên đặc biệt đáng lo ngại ở khu vực này.

Cụ thể, khí hậu ấm lên sẽ giúp các xoáy thuận nhiệt đới (tiền thân của một cơn bão) sẽ mạnh hơn. Nghiên cứu nhấn mạnh những cơn bão trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi như việc chúng hình thành gần bờ biển hơn, mạnh hơn và di chuyển chậm hơn khi đổ bộ vào đất liền. Rõ ràng, hiệu ứng nhà kính đang trở thành một trong những thủ phạm chính tạo ra siêu bão mạnh mẽ, và sự gia tăng tần suất cũng như cường độ của các cơn bão này là minh chứng rõ ràng cho tác động của biến đổi khí hậu. Để đối phó với thách thức này, cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống thiên tai. Việc hành động ngay hôm nay không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

Hiệu ứng nhà kính là một hiện tượng khi các khí nhà kính như carbon dioxide (CO₂), methane (CH₄), và nitrous oxide (N₂O) tích tụ trong khí quyển, giữ nhiệt và làm tăng nhiệt độ trái đất. Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ đại dương đã tăng khoảng 0.6°C trong thế kỷ qua, điều này đã gây ra sự biến đổi rõ rệt trong các hiện tượng thời tiết toàn cầu. Khi nhiệt độ đại dương gia tăng, các cơn bão có thể nhận được nhiều năng lượng hơn từ hơi nước bốc lên từ mặt biển, dẫn đến việc tăng cường cường độ của bão.

>> Bão Yagi đã tàn phá Trung Quốc và Philippines như thế nào?

Bảo hiểm ghi nhận hơn 1.000 xe cơ giới bị tổn thất do Bão Yagi

Mỹ công bố hỗ trợ Việt Nam 1 triệu USD cứu trợ khẩn cấp sau bão Yagi

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/hieu-ung-nha-kinh-thu-pham-tao-ra-sieu-bao.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hiệu ứng nhà kính, thủ phạm tạo ra siêu bão
    POWERED BY ONECMS & INTECH