Hiện tại cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest đang rơi về dưới mệnh giá, mức thấp nhất trong lịch sử và các lãnh đạo đang nỗ lực "cứu".
Ngày 24/11/2022 CTCP Chứng khoán Mirae Asset phát đi thông báo bán giải chấp 3,8 triệu cổ phiếu HPX (CTCP Đầu tư Hải Phát – Hải Phát Invest - mã chứng khoán HPX) thuộc tài khoản của ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch HĐQT công ty. Đây là thông báo tiếp theo sau những thông báo bán giải chấp trước đó mà Chứng khoán Mirae Asset thực hiện đối với cá nhân ông Đỗ Quý Hải.
Không chỉ bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo công ty, trước đó ngày 23/11/2022 Chứng khoán Mirae Asset cũng có thông báo hạ tỷ lệ cho vay ký quỹ đối với cổ phiếu HPX về 0%. Việc cắt margin này bị công ty chứng khoán áp dụng ngay trong ngày 23/11.
Nói về CTCP Đầu tư Hải Phát và ông Đỗ Quý Hải, là chặng đường 20 năm đồng hành. Ông Đỗ Quý Hải vừa là thành viên sáng lập, vừa là lãnh đạo cao nhất của Hải Phát Invest, vừa là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.
CTCP Đầu tư Hải Phát tiền thân là CTCP Xây dựng – Du lịch Hải Phát, thành lập năm 2003, chuyên thực hiện những hợp đồng kinh doanh vận tải và xây lắp quy mô nhỏ. Cái tên Hải Phát Invest gắn liền với công ty từ năm 2008. Hiện nay Hải Phát Invets được biết đến là doanh nghiệp bất động sản với nhiều dự án được nhắc đến. Trong đó dự án đầu tiên viết nên tên tuổi công ty trong giới bất động sản là Dự án Khu đô thị Văn Phú.
Dự án để lại nhiều ấn tượng nữa là Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ THE PRIDE khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 3.260 tỷ đồng. Dự án Roma Plaza Hải Phát khởi công năm 2016 có tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng. Năm 2018 Hải Phát Invest còn được nhắc đến với dự án BT của 5 tuyến đường giao thông nằm trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Hoài Đức có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng...
Ngoài ra còn có các dự án đối ứng tại Khu đô thị Bắc Lãm tổng vốn đầu tư 4.653 tỷ đồng; dự án BT các tuyến đường giao thông tiếp theo với tổng mức đầu tư gần 7.600 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào quý 3/2020; và dự án đối ứng Khi đô thị Mỹ Hưng có tổng quy mô vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng... Các dự án đối ứng của Hải Phát Invest thời điểm này đều thực hiện cùng CTCP Văn Phú Invest (VPI) bằng cách thành lập pháp nhân chung Công ty TNHH BT Hà Đông để làm chủ đầu tư. Pháp nhân BT Hà Đông thành lập tháng 6/2018, tỷ lệ sở hữu của Văn Phú Invest và Hải Phát Invest là 50%-50%.
Những “chiến tích” về các dự án ghi trên là trước khi Hải Phát Invets quyết định mang cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Thời điểm trước khi lên sàn, từ 2003 đến 2017 Hải Phát Invets vẫn chỉ duy trì 4 cổ đông góp vốn là những cổ đông sáng lập. Những lần tăng vốn đều đến từ việc các cổ đông sáng lập góp thêm vốn vào công ty.
Năm 2017 đánh dấu việc Hải Phát Invest đón nhận những cổ đông mới, thời điểm trước khi lên sàn công ty tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng, có 319 cổ đông trong đó có 3 cổ đông lớn. Danh sách 3 cổ đông lớn của Hải Phát Invest trước khi lên sàn ghi nhận có quỹ Vietinam Enterprise Investments Limited sở hữu hơn 13,09 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 8,737%. Hai cổ đông lớn còn lại là ông Đỗ Quý Hải (hơn 60,05 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 40,03%) và bà Chu Thị Lương (vợ ông Hải – sở hữu 12 triệu cổ phiếu – tỷ lệ 8%).
Năm 2018 Hải Phát Invest thực hiện bước ngoặt mới, đưa cổ phiếu HPX lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Chỉ 4 năm sau khi lên sàn, Hải Phát Invest liên tục thực hiện tăng vốn điều lệ, từ 1.500 tỷ đồng ban đầu lên trên 3.000 tỷ đồng như hiện nay. Tổng tài sản lên gần 10.300 tỷ đồng.
Năm 2017 Hải Phát Invets lần đầu tiên huy động vốn qua kênh trái phiếu. Lô trái phiếu 500 tỷ đồng này được ông Đỗ Quý Hải và bà Chu Thị Lương dùng 15,2 triệu cổ phần của Hải Phát Invest làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TNHH Indovina.
Từ 2017 đến nay Hải Phát Invest đã thực hiện 21 đợt phát hành trái phiếu theo số liệu trên HNX. Lô trái phiếu phát hành gần đây nhất từ tháng 1/2022 có tổng giá trị 350 tỷ đồng.
Tăng vốn, Hải Phát Invest cũng tăng quy mô hoạt động bằng việc tái cấu trúc công ty, thành lập các công ty con, tài sản của Hải Phát Invest cũng tăng lên nhanh chóng từ gần 6.600 tỷ đồng đến cuối năm 2017 đến gần 10.300 tỷ đồng tính đến hết quý 3/2022.
Cùng với tài sản tăng, nợ phải trả cũng tăng nhanh chóng lên trên 6.650 tỷ đồng tính đến 30/9/2022, trong đó riêng dư vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 4.600 tỷ đồng. Các khoản nợ của Hải Phát Invets thể hiện qua các hợp đồng vay với các ngân hàng và đặc biệt là danh sách các khoản nợ lớn tại các công ty chứng khoán.
Danh sách nợ của Hải Phát Invest cũng một phần phản ánh bức tranh phát hành trái phiếu của công ty, thay vì ghi nhận nợ trái phiếu, các khoản nợ này được ghi nhận về cho các công ty chứng khoán và các ngân hàng.
Ví dụ đợt phát hành trái phiếu 500 tỷ đồng năm 2017 được đảm bảo bởi 15,2 triệu cổ phần Hải Phát Invest tại Ngân hàng Indovina được ghi nhận là khoản nợ tại ngân hàng Indovina. Đợt phát hành gần đây nhất, tháng 1/2000 trị giá 350 tỷ đồng được ghi nhận là khoản nợ tại Công ty Chứng khoán Navibank…
Về tình hình kinh doanh, từ 2015 đến nay doanh thu công ty đều đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó năm 2019 bất ngờ đạt mức cao nhất trên 3.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cao nhất năm 2018 đạt gần 500 tỷ đồng. Năm 2019 cũng đạt mức lãi hơm 450 tỷ đồng.
Tuy vậy từ 2020 đến nay khi công ty mở rộng quy mô, tăng vốn, tăng tài sản thì doanh thu tại có phần sụt giảm so với năm 2018, 2019. Năm 2020 doanh thu đạt 1.330 tỷ đồng và năm 2021 đạt hơn 1.400 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2022 doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế năm 2020 thậm chí còn xuống dưới 100 tỷ đồng – lần đầu tiên trong lịch sử niêm yết của Hải Phát Invest. Còn so với năm 2017, 2018 và 2019 thì lãi đạt được năm 2020, 2021 đều thấp hơn nhiều.
Cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest đã giảm sàn 11 phiên liên tiếp từ 11/11/2022 đến nay khiến nhiều nhà đầu tư mất đi khoản lớn. Nhiều công ty chứng khoán cắt margin, nhiều tài khoản bị call margin, bị các công ty chứng khoán bán giải chấp. Đặc biệt các thông báo bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải khiến nhà đầu tư một lần nữa nhìn lại hành trình của doanh nhân Đỗ Quý Hải cùng với Hải Phát Invest.
Ông Đỗ Quý Hải, sinh ngày 26/3/1069 tại Hà Tây, là một kỹ sư xây dựng dân dụng – công nghiệp. Ông cũng có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh.
Quá trình công tác của ông Đỗ Quý Hải khá đa dạng trước khi gắn bó với Hải Phát. Năm 1989 ông vào làm việc tại Công ty Đá Xẻ Hà Tây đến năm 1994 trước khi rời cơ quan tiếp tục công cuộc học hành tại Đại học Kiến Trúc từ 1995 đến năm 2000. Sau khi tốt nghiệp Đại học ông tới làm việc tại Công ty Xây lắp 665 BĐ11 – Bộ Quốc Phòng được 1 năm. Năm 2002-2003 ông lại tới làm Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội của CTCP Đầu tư và kinh doanh Nhà Quảng Ninh.
Kinh qua nhiều vị trí, nhiều công ty khác nhau, năm 2003 ông Đỗ Quý Hải quyết định khởi nghiệp, cùng 3 cổ đông sáng lập khác thành lập CTCP Xây dựng – Du lịch Hải Phát – tiền thân của CTCP Đầu tư Hải Phát hiện nay. Vốn điều lệ ban đầu chỉ 8 tỷ đồng.
Những cổ đông sáng lập Hải Phát Invest cùng doanh nhân Đỗ Quý Hải thời điểm đó gồm bà Nguyễn Thị Phương Mai, bà Lê Thị Hoàng Anh, ông Nguyễn Hồng Thái đều đã rút vốn. Hiện tại chỉ còn lại mình ông Đỗ Quý Hải gắn bó cùng Hải Phát Invest. Tại Hải Phát Invest, ông luôn nắm giữ những chức vụ cao nhất, làm Chủ tịch HĐQT từ khi thành lập đến nay, và cũng kiêm luôn vị trí Tổng Giám đốc trong nhiều quãng thời gian dài.
Số liệu cập nhật đến 15/11/2022 vừa qua ông Đỗ Quý Hải còn nắm giữ hơn 121,78 triệu cổ phiếu HPX tương ứng 40,04% vốn điều lệ công ty.
Về phía gia đình, vợ ông – bà Chu Thị Lương đang nắm giữ hơn 11,41 triệu cổ phiếu; em trai Đỗ Quý Đường sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu và người em trai khác, ông Đỗ Quý Thành sở hữu gần 1,17 triệu cổ phiếu.
Đối với công việc tại Hải Phát Invest, người nhà doanh nhân Đỗ Quý Hải tham gia công tác điều hành tại công ty chỉ có ông Đỗ Quý Thành, Phó Tổng Giám đốc công ty. Ngoài ra ông Đỗ Quý Thành còn tham gia nắm giữ nhiều chức vụ tại các công ty khác như Phó TGĐ Địa ốc Châu Sơn, Chủ tịch HĐQT Bê tông Phúc Thành…
Sau khi thành lập từ năm 2003 đến năm 2007 công ty vẫn giữ nguyên mức vốn điều lệ. Lần đầu công ty tiến hành tăng vốn vào năm 2007, từ 8 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng trên cơ sở góp của cổ đông sáng lập – lúc đó Hải Phát vẫn chỉ có 4 cổ đông đầu tiên.
Năm 2008 là mốc quan trọng khi công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư Hải Phát như hiện nay. Đồng thời trong năm công ty tiến hành tăng vốn điều lệ “khủng” từ 15 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu – là các cổ đông sáng lập góp thêm vốn vào công ty. Đây cũng là năm công ty thực hiện dự án lớn đầu tiên: Dự án Khu đô thị mới Văn Phú và tổ hợp thương mại và căn hộ The Pride thuộc Khu đô thị An Hưng.
Năm 2011 tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu – là các cổ đông sáng lập góp thêm vốn vào công ty. Sau phát hành Hải Phát Invets vẫn chỉ có 4 cổ đông duy nhất
Năm 2017 đóng dấu thêm một cột mốc quan trọng khi công ty mở rộng địa bàn hoạt động ra các tỉnh thành phía Nam, tiến hành 2 đợt tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng và rồi lên 1.500 tỷ đồng. Lần tăng vốn này, có đợt phát hành 30 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, còn lại là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Số lượng cổ đông cũng đã tăng lên đáng kể, trong đó đợt phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu là cho 13 cổ đông. Sau đợt này Hải Phát Invest có tổng cộng 102 cổ đông. Đến nay vốn điều lệ công ty trên 3.000 tỷ đồng.
Năm 2017 cũng là lần đầu Hải Phát Invets phát hành trái phiếu. Cũng từ thời gian đó ông Đỗ Quý Hải liên tục thực hiện những giao dịch đảm bảo tại các ngân hàng, trong đó có việc mang 15,2 triệu cổ phần Hải Phát Invest thế chấp tại Ngân hàng Indovina đảm bảo cho đợt phát hành lô trái phiếu 500 tỷ đồng.
Những năm sau đó ông Đỗ Quý Hải và vợ là bà Chu Thị Lương liên tục mang cổ phần tại Hải Phát Invest và CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô thế chấp tại các ngân hàng cho các giao dịch đảm bảo. Lần gần đây nhất, tháng 10/2022 ông Đỗ Quý Hải đem hơn 3,72 triệu cổ phần tại Đầu tư Hải Phát Thủ đô thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Á Chi Nhánh Hà Đông.
Tính đến 30/9/2022 Hải Phát Invest có hệ thống 11 công ty con. Không chỉ Hải Phát Invets mà hệ thống các công ty trong hệ sinh thái của Hải Phát Invest đã huy động rất nhiều qua kênh trái phiếu như CTCP Đầu tư Kinh doanh bất động sản Hải Phát, Hải Phát Retail, Hải Phát Thủ Đô…
Khi từ khoá “trái phiếu” trở thành từ nóng, ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, thì hệ luỵ kéo theo nhìn thấy rõ nhất là giá cổ phiếu lao dốc trước khi doanh nghiệp “kịp” có động thái xử lý.
Những thông tin khiến các nhà đầu tư chú ý đến Hải Phát Invest là dư nợ phải trả 6.650 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với đầu kỳ trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 1.500 tỷ đồng (giảm 827 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 3.235 tỷ đồng (tăng 889 ty đồng so với đầu kỳ).
Các khoản vay ngắn hạn của công ty phần lớn là vay từ các ngân hàng và công ty chứng khoán. Đáng chú ý có những khoản vay ghi nhận từ các công ty chứng khoán có tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến những đợt phát hành trái phiếu, mua trái phiếu….
Trong khi cổ phiếu HPX liên tục giảm sàn, một số công ty chứng khoán quyết định cắt margin cổ phiếu HPX, phía các lãnh đạo công ty đã tung ra những động thái tích cực, cả 2 anh em ông Đỗ Quý Hải và ông Đỗ Quý Thành mới đăng ký mua vào tổng cộng 10 triệu cổ phiếu HPX nhằm "cứu", “đỡ giá”.
Động thái mua vào này của anh em ông Đỗ Quý Hải cũng một phần trấn an nhà đầu tư. Trước đó không lâu, từ 5/10 đến 1/11/2022 ông Đỗ Quý Thành vừa bán ra 7,75 triệu cổ phiếu HPX – thời điểm đó HPX đang giao dịch quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu, dự thu 193 tỷ đồng. Như vậy việc đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu lần này cũng là cách để số tiền này đổ trở lại thị trường, thậm chí còn “đảo hàng” giá rẻ về tài khoản.
Nói về giao dịch cổ phiếu HPX của các thành viên gia đình doanh nhân Đỗ Quý Hải, nhà đầu tư cũng sẽ khá bất ngờ khi gặp rất ít giao dịch mua/bán từ các vị lãnh đạo này. Tính đến 15/11/2022 cả 4 thành viên liên quan gia đình ông Đỗ Quý Hải sở hữu 137,4 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 45,18%. Nếu mua xong 10 triệu cổ phiếu vừa đăng ký, tỷ lệ sở hữu lên đến 48,46%.
Các giao dịch, ngoại trừ giao dịch bán 7,75 triệu cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Thành hơn 1 tháng trước và 2 giao dịch đăng ký mua vừa qua, thì trước đây đến hơn 2 năm, tháng 7-8 năm 2020 bà Chu Thị Lương mới bán gần 10 triệu cổ phiếu sở hữu lúc đó.
Không bán, số cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải tăng dần theo thời gian qua những đợt công ty tiến hành tăng vốn. Doanh nhân Đỗ Quý Hải cũng được xem là một trong những số ít các doanh nhân, vị lãnh đạo doanh nghiệp đặc biệt trên thị trường khi chưa từng bán ra cổ phiếu công ty mình.
Bên cạnh đó, ngoài đợt đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu lần này nhằm góp 1 phần “đỡ giá”, thì trước đó ông Đỗ Quý Hải cũng chưa từng có giao dịch mua thêm cổ phiếu HPX trên sàn.
Việc một lãnh đạo doanh nghiệp gắn bó 20 năm với công ty như doanh nhân Đỗ Quý Hải không nhiều. Ông Đỗ Quý Hải lại còn thể hiện quyết tâm gắn bó bằng hành động chưa từng mang cổ phần công ty ra bán, thậm chí còn mua thê ngoài các đợt tăng vốn, góp thêm vốn. Những động thái tích cực từ phía các lãnh đạo, đặc biệt việc sắp tung trăm tỷ từ người nhà Chủ tịch Hải Phát Invest để "đỡ giá", nhà đầu tư đang kỳ vọng chuỗi giảm sàn của cổ phiếu này sớm kết thúc.
Hiện tại HPX đã rơi về dưới mệnh giá - mức thấp nhất trong lịch sử hơn 1 năm niêm yết của doanh nghiệp này.
Doanh nhân Đặng Văn Thành: 45 năm ‘chinh chiến’, hệ sinh thái TTC Group có được những gì?
Từ lô trái phiếu 2.000 tỷ đồng đáo hạn đến hệ sinh thái Charm Group của doanh nhân Trần Kha Minh