Hồ sơ taxi công nghệ Uber: Hé lộ những bí mật động trời

13-07-2022 09:24|Việt Anh

Vụ rò rỉ tài liệu khổng lồ đã tiết lộ cách thức các chính khách hàng đầu bí mật giúp hãng xe taxi công nghệ Uber mở rộng quy mô. Đồng thời, tung bằng chứng cho thấy công ty này lách luật, lừa cảnh sát và kích động bạo lực.

Ngày 10/7/2022, hàng ngàn tài liệu nội bộ của hãng taxi công nghệ Uber bị rò rỉ. Ngay lập tức, từ khóa "Hồ sơ Uber" trở nên "hot" khi mà bộ tài liệu này liên quan sâu rộng đến nhiều chính trị gia cũng như hoạt động lách luật để biến mình thành gã khổng lồ của Uber.

Chưa biết mức độ đúng-sai trong Hồ sơ Uber nhưng thông tin ban đầu cho biết "Hồ sơ Uber" là cuộc điều tra toàn cầu dựa trên 124.000 tài liệu rò rỉ cho tờ The Guardian, với sự tham gia 180 nhà báo tại hơn 40 ấn phẩm ở 29 nước. Các tài liệu này bao gồm văn bản và email trao đổi giữa các giám đốc điều hành Uber từ năm 2013-2017, khoảng thời gian người đồng sáng lập Uber Travis Kalanick là giám đốc điều hành của công ty.

Uber có thỏa thuận ngầm với chính trị gia để "nuốt" thị phần của taxi truyền thống?

Vụ rò rỉ đã cho thấy cách Uber cố gắng tăng cường sự ủng hộ bằng cách bí mật tiếp cận các thủ tướng, tổng thống, tỉ phú, nhà tài phiệt và các ông trùm truyền thông.

Bộ hồ sơ cáo buộc Uber đã "nuốt" thị phần của taxi truyền thống, gây áp lực lên các chính phủ để họ sửa đổi luật, giúp mở đường cho mô hình làm việc dựa trên ứng dụng, nền kinh tế thuê nhân viên tạm thời hoặc bán thời gian.

Trong một nỗ lực để dập tắt phản ứng dữ dội và giành được những thay đổi có lợi đối với taxi và luật lao động, Uber đã lên kế hoạch chi 90 triệu USD vào năm 2016 cho hoạt động vận động hành lang và quan hệ công chúng.

Uber đã thực hiện các hoạt động trái quy định ở nhiều nước?

Các email nội bộ cho thấy lãnh đạo và nhân viên công ty biết rằng Uber đã thực hiện các hoạt động trái quy định ở những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech, Thụy Điển, Pháp, Đức và Nga.

"Chúng ta không hợp pháp ở nhiều quốc gia, chúng ta nên tránh đưa ra những tuyên bố chống đối", một giám đốc viết trong email. 

Giới chức và các cơ quan quản lý ở nhiều nơi trên thế giới đã tìm cách kìm hãm Uber. Các văn phòng Uber tại hàng chục quốc gia liên tục bị giới chức kiểm tra đột xuất. Trong bối cảnh đó, Uber đã phát triển các phương pháp tinh vi để cản trở việc thực thi pháp luật. Khi một văn phòng Uber bị kiểm tra, các giám đốc của công ty gửi chỉ thị cho nhân viên công nghệ thông tin cắt quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu chính, ngăn cản giới chức thu thập bằng chứng.

Trong một tuyên bố phản hồi về vụ rò rỉ, Uber thừa nhận "những sai lầm", nhưng cho biết họ đã chuyển đổi từ năm 2017 dưới sự lãnh đạo của giám đốc điều hành hiện tại Dara Khosrowshahi.

Giao thức "kill switch" - công cụ đắc lực giúp Uber lách luật? 

Cũng theo thông tin rò rỉ trên bộ Hồ sơ Uber, trên khắp thế giới, cảnh sát, quan chức ngành vận tải và các cơ quan quản lý đã tìm cách kìm hãm Uber. Các văn phòng Uber tại hàng chục quốc gia liên tục bị cơ quan chức năng "đột kích".

Để đối phó, Uber đã phát triển các phương pháp tinh vi để cản trở việc thực thi pháp luật. Một trong số đó, được lưu hành trong nội bộ, là “kill switch”, một dạng công tắc khẩn cấp.

Khi văn phòng Uber bất ngờ bị kiểm tra, ban lãnh đạo công ty sẽ gửi chỉ thị cho nhân viên công nghệ thông tin để ngắt quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu chính của công ty, ngăn cản nhà chức trách thu thập bằng chứng. Dữ liệu bị rò rỉ cho thấy “kill switch” đã được triển khai ít nhất 12 lần trong các cuộc truy quét ở Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ấn Độ, Hungary và Romania.

Giao thức "kill switch" không được thiết kế để cản trở công lý, thủ thuật này không xóa dữ liệu, và đã được bộ phận pháp lý của Uber kiểm tra và phê duyệt. Lãnh đạo Uber chưa bao giờ bị buộc tội liên quan đến việc cản trở công lý hoặc một hành vi phạm tội liên quan.

Người phát ngôn của Uber thừa nhận "kill switch" “lẽ ra không bao giờ nên được sử dụng để cản trở hành động quản lý hợp pháp” và họ đã ngừng sử dụng thủ thuật này vào năm 2017, khi Khosrowshahi thay thế Kalanick trở thành giám đốc điều hành.

Uber từng kích động tài xế Uber bạo lực?

Tài liệu rò rỉ vẽ ra bức tranh đen tối về những gì diễn ra trong hàng ngũ nhân sự cấp cao (C-Suite) của Uber, khi Pháp phản ứng dữ dội trước việc Uber gia nhập thị trường tháng 1/2016.

Vào một ngày đầu năm, ít nhất 2.000 tài xế taxi đã kéo xuống đường để bày tỏ sự giận dữ đối với Uber. Những tin nhắn trong 3 ngày sau đó cho thấy, cựu CEO Kalanick đã muốn một trong những cấp dưới của mình gây sức ép để tài xế Uber phản công.

Không chỉ thể hiện sự thờ ơ đối với khả năng tài xế Uber bị tài xế taxi truyền thống làm tổn thương, Kalanick thậm chí còn… chờ đợi điều này xảy ra.

Trước đó một năm, hơn 80 tài xế Uber đã bị tấn công tại khắp châu Âu và hàng chục xe bị phá hủy trong các cuộc xung đột với tài xế taxi truyền thống là những người lo sợ bị mất sinh kế vì Uber. Khi các cuộc biểu tình chống lại Uber nổ ra ở Paris, ban quản lý công ty làm việc trong một văn phòng vô danh và vì lý do an toàn đã được lệnh không mặc quần áo Uber tại nơi công cộng.

Công ty muốn lợi dụng tình hình bạo lực đối với tài xế để giành sự cảm thông từ nhà chức trách và công chúng.

Trong một số trường hợp, khi tài xế bị tấn công, lãnh đạo Uber sẽ nhanh chóng “chớp” cơ hội. Chẳng hạn, nếu họ bị đâm, đánh dập, ném gạch vào xe, các giám đốc sẽ cung cấp thông tin chi tiết cho báo chí để tạo ấn tượng tiêu cực đối với taxi truyền thống. Uber còn dùng nó để gây áp lực hòng gặp mặt các chính trị gia và thúc đẩy thay đổi pháp luật.

Trả lời The Washington Post, Phó Chủ tịch Tiếp thị và các vấn đề công cộng của Uber, Jill Hazelbaker, thừa nhận các sai lầm trong đối xử với tài xế trước đây, đặc biệt dưới thời Kalanick, song cho rằng, không ai, kể cả Kalanick, muốn tài xế Uber bị bạo lực.

Một trong những cách thức mà Uber sử dụng để chinh phục thị trường mới là lợi dụng sự hỗn loạn. Từ Matxcơva (Nga) cho đến Johannesburg (Nam Phi), Uber mạnh tay trợ giá các chuyến đi, thu hút tài xế và khách hàng bằng các chương trình hấp dẫn. Việc Uber nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường khiến ngành taxi truyền thống nổi giận.

Năm 2016, tại Paris, hàng ngàn tài xế taxi Pháp và các đồng nghiệp Bỉ, Tây Ban Nha, Ý đã tham gia cuộc biểu tình phản đối Uber, trong đó xảy ra một số vụ bạo lực với tài xế của Uber.

Theo Hồ sơ Uber, chính ông Kalanick đã yêu cầu các quản lý ở Pháp khuyến khích tài xế Uber tham gia biểu tình đối đầu với các tài xế taxi truyền thống.

Hãng taxi công nghệ Mỹ đã nhanh chóng lợi dụng sự hỗn loạn để gây sức ép, buộc các chính phủ phải sửa luật để cho phép Uber mở rộng hoạt động. Chiến thuật tương tự được áp dụng tại Ý, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ.

Bài học từ cuộc đời doanh nhân tuổi Rồng sáng lập Uber

Những nhân vật nổi tiếng giới công nghệ sinh năm Rồng

Cổ phiếu Grab giảm trở lại sau phiên tăng kỷ lục 11%, các hãng xe công nghệ ồ ạt rớt giá

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ho-so-taxi-cong-nghe-uber-he-lo-nhung-bi-mat-dong-troi-139935.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hồ sơ taxi công nghệ Uber: Hé lộ những bí mật động trời
POWERED BY ONECMS & INTECH