Hơn 9.000 công ty tại siêu cường top đầu châu Á xin phá sản, chuyện gì đã xảy ra?
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá sản hàng loạt này là do ảnh hưởng từ lạm phát, thiếu hụt nhân lực cũng như chi phí nguyên liệu tăng.
Theo Reuters, tính từ đầu năm đến tháng 11/2024, Nhật Bản đã có 9.164 công ty phải đóng cửa, với 841 công ty chỉ trong tháng 11. Được biết, tổng nợ liên quan đến các vụ phá sản doanh nghiệp trong tháng 11 lên tới 152,244 tỷ yên (khoảng 1 tỷ USD) - tăng hơn 72% so với mức 88,15 tỷ yên của cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, số công ty nộp đơn xin phá sản trong năm 2024 có thể vượt qua mốc 10.000 công ty - lần đầu tiên kể từ năm 2013 (năm ghi nhận 10.855 công ty đóng cửa).
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá sản hàng loạt này là do ảnh hưởng từ lạm phát, thiếu hụt nhân lực cũng như chi phí nguyên liệu tăng. Việc nhiều doanh nghiệp phá sản sẽ kéo theo mất việc làm, thu nhập của người dân giảm, từ đó tiêu dùng nội địa đi xuống.
Theo Reuters, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ họp vào ngày 18-19/12 để đánh giá các chỉ số kinh tế gần đây và đưa ra quyết định chính sách lãi suất. Thị trường hiện đang dự đoán rằng BoJ có thể tăng lãi suất vào tháng 12 hoặc tháng 1/2025, nhưng động thái này có thể gặp nhiều áp lực khi đối mặt với tình hình phá sản gia tăng.
Theo đánh giá, Nhật Bản đang đối mặt với bài toán nan giải. Khi lãi suất tăng, chi phí vay vốn của các doanh nghiệp cũng tăng, làm giảm khả năng mở rộng đầu tư và hoạt động kinh doanh, đặc biệt với các doanh nghiệp vốn đang gặp khó khăn.
Nhưng nếu BoJ không tăng lãi suất, áp lực lạm phát có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, dẫn đến mất ổn định kinh tế. Vì vậy BoJ phải cân nhắc giữa việc giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Đây là một quyết định khó khăn vì mỗi lựa chọn đều có tác động lớn đến nền kinh tế.
>> Hàng loạt công ty tại siêu cường top đầu châu Á xin phá sản, chuyện gì đã xảy ra?