'Hòn đảo' ở Bắc Cực của Nga hoàn toàn biến mất
Hiệp hội Địa lý Nga cho biết, một sông băng lớn gần quần đảo Franz Josef Land của Nga ở Bắc Băng Dương, được các nhà quan sát mô tả là "hòn đảo" đã hoàn toàn biến mất.
Theo RT, các nhà nghiên cứu tạm thời cho rằng hiện tượng nóng lên của toàn cầu đã khiến "hòn đảo" này bốc hơi.
Hiệp hội Địa lý Nga hồi cuối tháng 10 đã đăng tải một bài viết, trích dẫn quan sát của các tình nguyện viên trẻ sau khi phân tích hình ảnh vệ tinh của khu vực. Người đứng đầu nhóm là Aleksey Kucheyko cho hay, gần đảo Eva-Liv trong quần đảo Franz Josef Land ở Bắc Cực, một khối băng trước đây được gọi là Đảo Mesyatsev đã biến mất". Ông Kucheyko nói thêm rằng phát hiện này cần được cập nhật trong bản đồ hàng hải.
Bài viết của Hiệp hội Địa lý Nga cho biết, "Đảo Mesyatsev" đã hình thành ít nhất là vào năm 1995, sau khi tách khỏi lớp băng trên đảo Eva-Liv khi nó dần tan chảy.
Theo ước tính hồi tháng 8/2015, hòn đảo này có diện tích khoảng 53ha, nhưng tới đầu năm nay, nó đã thu hẹp lại chỉ còn 3ha. Khi các nhà nghiên cứu phân tích hình ảnh vệ tinh vào tháng 9, ngay cả phần nhỏ bé còn lại cũng đã biến mất. Bài viết lưu ý sẽ phải tiến hành thêm các cuộc thăm dò trong khu vực để xác nhận kết luận này.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết là sự nóng lên toàn cầu, dẫn đến mực nước biển dâng cao, là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của hòn đảo băng này.
Đầu năm nay, Viện Dự báo Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã đưa ra một báo cáo cho rằng GDP của Nga có thể tăng "khoảng 0,6 nghìn tỷ rúp sau mỗi 10 năm" nếu xu hướng khí hậu hiện tại tiếp tục. Các nhà nghiên cứu ước tính, trung bình nhiệt độ ở Nga tăng 0,5 độ C sau mỗi 10 năm.
Theo bài viết, các ngành nông nghiệp và lâm nghiệp nói riêng có thể được hưởng lợi từ nhiệt độ trung bình tăng. Ngoài ra, tình trạng nóng lên toàn cầu có thể thúc đẩy sự phát triển của Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) - tuyến đường thủy vận chuyển chạy dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga, kết nối châu Âu với các cường quốc kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.