'Hòn đảo thiên đường' bất ngờ lọt top điểm nổi tiếng không nên đến năm 2025
Nhiều điểm đến nổi tiếng thu hút đông đảo lượng khách du lịch toàn cầu bị "xướng tên" trong danh sách nơi không nên đến năm 2025.
Hàng năm, danh sách No List của Fodor's sẽ "điểm mặt" những địa danh du lịch nổi tiếng trên thế giới, cảnh báo về tình trạng quá tải du khách nghiêm trọng. Sự ưu tiên phát triển du lịch một cách thiếu bền vững đã gây ra những hậu quả đáng lo ngại như môi trường bị tàn phá, cuộc sống người dân bị đảo lộn và chi phí du lịch tăng vọt. Mục đích của Fodor's không phải là kêu gọi tẩy chay mà là nhằm nâng cao nhận thức của du khách và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ những điểm đến này cho tương lai.
Mới đây, Fodor's đã liệt kê các điểm đến nổi tiếng trên thế giới là nơi không nên đến. Trong đó, "hòn đảo thiên đường" Bali, Indonesia là điểm nổi tiếng nằm trong danh sách No List của Fodor's.
Theo Cơ quan Thống kê tỉnh Bali, hòn đảo này đã đón khoảng 5,3 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ so với thời kỳ trước đại dịch. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt mức 6,3 triệu lượt ghi nhận vào năm 2019. Riêng trong 7 tháng đầu năm, lượng du khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch phục hồi mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy kinh tế Bali nhưng đồng thời cũng tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng của hòn đảo. Những bãi biển nổi tiếng từng sạch đẹp như Kuta và Seminyak giờ đây đối mặt với tình trạng ngập tràn rác thải.
Chất lượng nước ven biển Indonesia đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ chất hữu cơ, kim loại nặng và lượng chất dinh dưỡng dư thừa do nước thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp gây ra. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, chỉ 59% dân số tại đây được tiếp cận hệ thống vệ sinh cải thiện khiến áp lực lên môi trường tự nhiên ngày càng gia tăng.
Bên cạnh "hòn đảo thiên đường" Bali, Fodor's còn liệt kê nhiều điểm đến khác không nên đến vào năm 2025. Kyoto, Nhật Bản đang gặp tình trạng quá tải du lịch mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp như lắp đặt camera giám sát, thiết lập hệ thống giao nhận hành lý và dựng biển cấm quấy rối hay chụp ảnh geisha. Tuy nhiên, do du khách thường ít tìm hiểu các quy tắc địa phương trước khi đến những biện pháp này chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, đòi hỏi các giải pháp cấp tiến và toàn diện hơn.
Đảo Samui, Thái Lan từ lâu đã nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng sang trọng, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Năm 2023, con số này đạt mức kỷ lục 3,4 triệu lượt khách và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch quá nhanh đang đặt ra những thách thức lớn đối với môi trường đảo. Bãi rác trên đảo đã quá tải với 200.000 tấn rác thải, hệ thống xử lý nước thải hoạt động kém hiệu quả và tình trạng xây dựng tràn lan trên đồi núi càng làm trầm trọng thêm tình hình. Sự phát triển du lịch thiếu kiểm soát tại nơi đây còn dẫn đến việc xây dựng trái phép khu nghỉ dưỡng, làm gia tăng nguy cơ sạt lở núi và gây tác động tiêu cực đến môi trường biển.
Du lịch mạo hiểm tại Nepal là một trong những ngành phát triển mạnh thời gian gần đây. Lượng du khách ghé thăm tăng cao khiến các ngôi làng nông nghiệp nhỏ dọc tuyến đường dần chuyển đổi thành nhà nghỉ và khách sạn. Ước tính khoảng 30 tấn rác thải và phân người nằm rải rác trên sườn núi, đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái mong manh, vốn khó có thể chịu đựng áp lực từ sự bùng nổ du lịch đại trà.
>> ‘Đảo thiên đường’ mạnh tay với những du khách gây rối và thích làm lố
'Hòn đảo thiên đường' ngừng xây thêm khách sạn trong vòng 10 năm
Hòn đảo thiên đường thông với biển qua con kênh, có ‘bãi biển nhỏ’ nằm ngay trong miệng núi lửa