Hợp tác với 7 siêu cường, láng giềng Việt Nam vừa đạt bước nhảy vọt tại lò phản ứng nhiệt hạch lớn nhất thế giới
Với linh kiện cuối cùng của hệ thống nạp từ đã đến nơi, dự án ITER đang tiến thêm một bước dài tới mục tiêu tạo ra plasma đầu tiên.
Trung Quốc vừa hoàn tất việc chuyển giao linh kiện cuối cùng cho ITER – lò phản ứng nhiệt hạch lớn nhất thế giới đang được xây dựng tại Pháp.
Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực toàn cầu hướng tới nguồn năng lượng sạch, không phát thải và gần như vô tận, khi "mặt trời nhân tạo" tiến gần hơn tới mục tiêu tạo ra plasma đầu tiên.
Theo các nguồn tin, bộ nạp cuộn hiệu chỉnh In-cryostat (linh kiện cuối cùng trong chuỗi 31 bộ phận đồ sộ do Trung Quốc đảm nhận) đã tới nơi an toàn, hoàn tất gói mua sắm phức tạp nhất mà Bắc Kinh thực hiện cho dự án quốc tế này. Được biết đây là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống nam châm ITER.
Tất cả các linh kiện phục vụ hệ thống nạp từ này hiện đã được chế tạo thành công. Hệ thống gồm 9 bộ - có đường kính tới 15m và cao 3m - được thiết kế theo dạng nửa vòng.

Do Viện Vật lý Plasma (ASIPP), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phát triển và thử nghiệm độc lập, hệ thống không chỉ cung cấp năng lượng và làm mát cho các nam châm siêu dẫn trong lò phản ứng mà còn đóng vai trò là “hệ thần kinh”, truyền tín hiệu điều khiển và vận hành chức năng xả. Tổng trọng lượng các thiết bị lên đến 1.600 tấn.
Phát biểu về cột mốc quan trọng này, ông Lu Kun – Phó giám đốc ASIPP – khẳng định hệ thống nạp từ là một trong những thành phần then chốt, giúp vận hành trơn tru lò phản ứng nhiệt hạch trong tương lai.
Trong khi đó, ông Song Yuntao – phó Chủ tịch Viện Khoa học Vật lý Hợp Phì – cho biết ASIPP đã hợp tác với hơn 140 viện nghiên cứu tại hơn 50 quốc gia trong suốt 2 thập kỷ, hỗ trợ các nước mới nổi phát triển chương trình năng lượng tổng hợp của riêng mình.
Đặt nền móng cho tương lai năng lượng sạch
ITER, hay còn gọi là “mặt trời nhân tạo”, đang được xây dựng tại Cadarache, miền Nam nước Pháp. Đây là dự án hợp tác toàn cầu giữa 7 đối tác lớn: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu, với tổng chi phí ước tính vượt 27 tỷ USD.
Dự kiến ITER sẽ tạo ra plasma đầu tiên trong vài năm tới và có thể trở thành lò phản ứng nhiệt hạch đầu tiên trên thế giới sản sinh ra nhiều năng lượng hơn mức tiêu tốn để khởi động quá trình phản ứng – điều mà chưa có thiết bị nào đạt được trước đó.
Khác với phản ứng phân hạch hạt nhân truyền thống vốn để lại lượng chất thải phóng xạ kéo dài hàng ngàn năm, phản ứng tổng hợp – mô phỏng cách mặt trời tạo năng lượng – gần như không phát thải khí nhà kính và không để lại rác thải phóng xạ lâu dài.
Trung Quốc cũng đang phát triển các thí nghiệm song song, nổi bật là lò Tokamak tiên tiến (EAST), vốn đã lập kỷ lục vào tháng 1 khi duy trì plasma ổn định trong 1.066 giây – thời gian dài nhất từng ghi nhận. Những bước tiến này đang đưa nhân loại đến gần hơn với mục tiêu đầy tham vọng: tạo ra nguồn năng lượng sạch, vô tận và an toàn cho tương lai.