Bắt nguồn từ vùng cao nguyên lớn nhất thế giới, dòng sông này chảy qua 6 nước, trong đó có Việt Nam.
Mê Kông - Dòng sông vĩ đại
Mê Kông là con sông lớn nhất Đông Nam Á bắt đầu tư vùng cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc, chảy qua lãnh thổ của 4 nước khác gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Với bất cứ quốc gia nào có dòng Mê Kông chảy qua, nó đều được coi như thứ tài sản vô giá mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho các quốc gia trong lưu vực.
Nếu tính theo độ dài, sông Mê Kông dài thứ 12 của thế giới và thứ 7 của châu Á còn tính theo lưu vực, dòng sông này đứng thứ 10 thế giới. Lưu lượng trung bình 13.200 m3/s, vào mùa nước lũ có thể lên tới 30.000 m3/s. Lưu vực của sông rộng khoảng 795.000 km2 (theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông) hoặc hơn 810.000 km2.
Bên cạnh đó, trên toàn bộ chiều dài của sông Mê Kông có tới 94 đập thủy điện. Và, theo kết quả thống kê của Ủy hội Mê Kông, đến năm 2030 có thêm khoảng 30 đập nữa được triển khai trên các dòng nhánh.
Tổng diện tích lưu vực sông Mê Kông của Việt Nam là khoảng 71.000 km2, chiếm 20% diện tích lãnh thổ của cả nước và chiếm hơn 8% diện tích toàn lưu vực. Vùng lưu vực của sông Mê Kông có các sông Nậm Rốm và Nậm Núa với diện tích lưu vực 1.650 km2. Khi vượt quan lãnh thổ Campuchia, dòng Mê Kông chảy vào Việt Nam đầu tiên tại tỉnh An Giang theo hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu.
Sông Mê Kông khi chảy vào địa phận Việt Nam chảy qua 9 tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ là An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.
“Báu vật’ trời ban của đất Việt
Đối với Việt Nam nói chung và khu vực có dòng Mê Kông chảy qua, dòng sông được coi như một tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Sông Mê Kông đã và đang nuôi dưỡng hai vùng kinh tế trọng điểm là ĐBSCL và Tây Nguyên
Với gần 60% tổng lượng dòng chảy hằng năm của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khoảng 23% cũng như tác động không nhỏ đến các hoạt động xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản,.. sông Mê Kông không chỉ còn là một dòng sông. Nó trở thành sinh kế, là tài sản không gì thay thế được của những vùng đất nó chảy qua.
Tuy nhiên, toàn bộ lưu vực sông Mê Kông trên lãnh thổ Việt Nam đang đối mặt với những thách thức rất lớn như hiện tượng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn... Không chỉ vậy, Mê Kông hiện là một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán; tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính.
Đặc biệt, trong thời gian qua, những thông tin về dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia sẽ ảnh hưởng rất lớn tới vùng lưu vực tại Việt Nam.
Theo đánh giá của TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ trên báo VnExpress cho biết kênh Funan Techo khi hình thành chắc chắn tác động tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long. Mức độ ảnh hưởng sẽ được quyết định dựa trên quy mô và mục đích sử dụng của phía hình thành, xây dựng dòng kênh.
Đoạn một của kênh kết nối sông Mekong (sông Tiền) đến sông Hậu, sau đó mới tiếp tục đào ra hướng Vịnh Thái Lan. Điều này sẽ dẫn đến việc chia lại nguồn nước giữa hai dòng sông nói trên trước khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam.
Tùy thuộc vào lượng nước đổ về sông Hậu nhiều hay ít sẽ có những tác động gây nên sạt lở, nhất là đoạn chảy qua tỉnh An Giang, từ địa phận TP Châu Đốc đến huyện Châu Phú (ngã ba với sông Vàm Nao). Lý do là bởi đoạn sông này nhỏ, bề ngang chỉ vài trăm mét. Bên cạnh đó, vai trò điều tiết nước của sông Vàm Nao (nối sông Tiền và sông Hậu) bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều vấn đề liên quan...
Những thay đổi lớn về mặt đời sống của người dân tại vùng lưu vực khi Mê Kông phải đối mặt với nhiều biến đổi càng chứng tỏ tầm ảnh hưởng của dòng sông đến cuộc sống của người dân.