Hút vốn FDI, Việt Nam lọt top 10 thị trường mới nổi lĩnh vực logistics
Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ được vị trí của quốc gia có tiềm năng phát triển logistics trong khu vực Đông Nam Á.
Theo thống kê của Precedence Research, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước đạt 8.960 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 18.230 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ CAGR là 10,7% trong giai đoạn này.
Tại thị trường Đông Nam Á, theo Insight Partners, thị trường logistics của khu vực đạt 36,4 tỷ USD vào năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 55,7 tỷ USD trong năm 2025 với tốc độ tăng trưởng CAGR là 5,5%. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị logistics tại Đông Nam Á sẽ tăng hơn 2 tỷ USD/năm trong giai đoạn này.
Cùng chung với đà tăng trưởng của thị trường toàn cầu, thị trường logistics Việt Nam cũng đang có nhiều bước tiến nổi bật. Dựa theo bảng xếp hạng Emerging Markets Index 2023 mới nhất của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới.
Chưa kể, Việt Nam còn xếp hạng thứ 4 về cơ hội logistics quốc tế (International Logistics Opportunities). Nhờ đó, được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Việc Việt Nam trở thành điểm sáng trong ngành logistic nhờ sở hữu lợi thế về vị trí địa lý và có đầy đủ các phương thức vận tải đường bộ - hàng không – đường biển – đường sắt và đường thủy, phục vụ cho mọi hoạt động logistics.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế cùng sự bùng nổ của thương mại điện tử với doanh thu ước đạt 10,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 cũng đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành logistics nước ta.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và có khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới đang hoạt động. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, góp phần vô cùng quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta lên 730,2 tỷ USD vào năm 2022.
Sự phát triển của thị trường logistics Việt Nam cũng đang thu hút dòng vốn FDI lớn từ nhiều “ông lớn” trong ngành. Singapore là một trong những quốc gia muốn đẩy mạnh đầu tư logistics tại Việt Nam.
Liên doanh giữa Tập đoàn T&T và đối tác Singapore là Tập đoàn YCH mới đây đã khởi công xây dựng dự án trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc vào năm 2021. Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành siêu cảng đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực Đông Nam Á.
Trong năm nay, một phái đoàn gồm 30 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Singapore cũng đã tới Bình Dương hồi tháng 3 để tìm cơ hội đầu tư logistics cùng một số lĩnh vực khác.
Vào năm 2022, Tập đoàn Warburg Pincus (Mỹ) cũng đã hợp tác với liên doanh Becamex IDC để xây dựng Trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới rộng 75ha tại Bình Dương. Trung tâm này bao gồm các khu nhà xưởng công nghệ cao, kho chứa hàng vận chuyển bằng đường hàng không, kho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tập đoàn Singapore muốn xây "đường cao tốc" logistics tại Việt Nam, ăn theo siêu cảng miền Bắc
Hơn 4,5 tỷ USD vốn FDI 'chảy' về thành phố đáng sống nhất Việt Nam
Xoay chuyển thế cờ đón làn sóng mới, Coteccons (CTD) mang về hàng loạt dự án triệu USD