Doanh nghiệp

Kem đánh răng Dạ Lan từng lụi tàn sau cú bắt tay với Colgate, đã hồi sinh với doanh thu bất ngờ 28.600 tỷ

Yên Hoàng 27/08/2023 10:05

Kem đánh răng Dạ Lan - thương hiệu vang bóng một thời - đã từng là "công thần", đang hồi sinh mạnh mẽ sau những năm tháng lụi tàn, bất ngờ báo doanh thu hàng chục nghìn tỷ những năm gần đây.

Kem đánh răng Dạ Lan ra đời từ năm 1988, là sản phẩm hợp tác giữa Cơ sở sản xuất Sơn Hải (tiền thân của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải sau này) và kỹ sư Lưu Trung Nghĩa – một trong những chuyên gia đầu ngành sản xuất kem đánh răng tại Việt Nam vào thời điểm đó.

Từng đánh bật hàng Trung Quốc, chiếm lĩnh tới 70% thị phần cả nước

Kem đánh răng Dạ Lan đã có những bước đi đầu đời đầy khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận các khách hàng, doanh nghiệp tiềm năng. Đích thân ông Trịnh Thành Nhơn, chủ Cơ sở sản xuất Sơn Hải, đã phải tự bươn chải, chở hàng đi bán từ Đà Nẵng xuống tận Cà Mau và sau này “Bắc tiến” để giới thiệu sản phẩm ở hội chợ Hà Nội.

Năm đầu tiên, khi Dạ Lan chở một container hàng ra ngoài miền Bắc để bán và chào hàng tại các khu chợ thì đã gặp tình trạng tồn đọng suốt nhiều ngày dài.

Kem đánh răng Dạ Lan từng lụi tàn sau cú bắt tay với Colgate, đã hồi sinh với doanh thu bất ngờ 28.600 tỷ
Ông Trịnh Thành Nhơn

"Cuối cùng, tôi phải chọn một cái giải pháp đó là đến gặp các cấp chính quyền, các khu du lịch gửi quà tặng và viết tên lên sản phẩm của mình. Sau đó, tôi ra nhà sách đặt mua lịch, thuê in lên dòng chữ: "Công ty Sơn Hải, kem đánh răng Dạ Lan kính biếu". Cứ mỗi quầy bán tạp hóa, tặng vài cuốn lịch kèm 10 ống kem đánh răng Dạ Lan.

Thời điểm đó, có một quyển lịch rất quý, người ta tranh nhau nhận kem đánh răng chỉ để có cuốn lịch. Sau đó, có người đã tìm đến chúng tôi, sau 10 ngày sản phẩm của chúng tôi được bán hết. Đó có lẽ là kỉ niệm mà cả cuộc đời tôi chẳng thể nào quên được. Cũng từ đó, sản phẩm Dạ Lan bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh phía Bắc", ông Trịnh Thành Nhơn chia sẻ.

Giai đoạn năm 1993 – 1994, Dạ Lan hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường kem đánh răng nội địa, nắm trong tay tới 70% thị phần cả nước, riêng từ Đà Nẵng trở vào là 90% thị phần. Nhờ vậy, Dạ Lan được xem là “công thần” số một trong việc đánh đuổi kem Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam. Không chỉ được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam, kem Dạ Lan còn được xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia và một số tỉnh phía nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận vào năm 1995, thị trường kem đánh răng nội địa bị đảo lộn do những “ông lớn” ngành hóa mỹ phẩm thế giới là Unilever và Colgate Palmolive đặt chân tới Việt Nam.

"Xiêu lòng" trước Colgate và cái kết

Dạ Lan phát triển trong bối cảnh đất nước khi đó vẫn còn khó khăn về cơ chế và điều luật với kinh doanh tư nhân. Theo ông Nhơn, ở thời kỳ hoàng kim, mỗi sáng, trước cửa nhà máy luôn là hàng dài người xếp hàng chờ mua sản phẩm Dạ Lan, doanh nghiệp tựa như một "cô gái đẹp" và nhận được nhiều lời "dụ dỗ" và đã "xiêu lòng" trước Colgate.

Kem đánh răng Dạ Lan từng lụi tàn sau cú bắt tay với Colgate, đã hồi sinh với doanh thu bất ngờ 28.600 tỷ

Năm 1995, công ty quốc tế Colgate Palmolive đặt vấn đề liên doanh với Sơn Hải, công ty sở hữu nhãn hiệu Dạ Lan. Ban đầu, ông Nhơn không đồng ý với Colgate Palmolive, nhưng việc Công ty Phong Lan tuyên bố bán lại P/S, thương hiệu kem đánh răng “anh em” với Dạ Lan cho Unilever với giá 5 triệu USD đã khiến ông phải cân nhắc.

Khi đó Dạ Lan và P/S đang cùng nhau độc chiếm thị trường kem đánh răng, việc P/S về tay Unilever - một doanh nghiệp lớn ngành hóa mỹ phẩm thế giới, khiến vị trí dẫn đầu của Dạ Lan bị đe dọa. Chưa kể, Colgate đã tỏ rõ tham vọng tấn công vào thị trường dù không đạt được liên doanh với Dạ Lan.

"Thời điểm đó, chúng tôi có thương hiệu được nhiều người biết đến, có dây chuyền công nghệ khoa học kỹ thuật, tương tự chúng tôi, P/S cũng được Unilever tìm đến và dụ dỗ với nhiều chính sách và đãi ngộ tốt.

Ở thập niên 90, chính sách chỉ cho doanh nghiệp nước ngoài vào liên doanh và nếu P/S liên doanh với Unilever thì đó sẽ là một nguy cơ lớn cho Dạ Lan. Chưa kể Colgate vẽ ra một bức tranh tốt đẹp trong nhiều năm tới, nhãn hiệu của chúng tôi được mua lại với giá cao rất nhiều lần.

Lúc đó tôi đã bị dao động, đây không phải là vì tiền mà là tôi đang tìm được một người giúp cho công ty tôi phát triển", ông Nhơn cho biết.

Nhìn lại quyết định bắt tay với Colgate, ông Nhơn cho rằng, đó là quyết định đúng ở thời điểm khi mà ông đã tìm được đối tác có thể giúp kem đánh răng Dạ Lan bay cao bay xa, lẫy lừng khắp thế giới.

Tuy nhiên, đáng tiếc là Colgate đã không phát triển nhãn hàng Dạ Lan tốt hơn lên như cách Unilever đã làm với P/S. Chỉ sau 1 tháng thay đổi chiến lược sản xuất, sản phẩm bị khách hàng và thương nhân từ chối đón nhận. Cuối cùng chỉ sau 1 năm, Colgate quyết định chính thức khai tử thương hiệu mà ông Trịnh Thành Nhơn đã mất 7 năm gầy dựng.

"Tôi cứ nghĩ đã tìm được con đường sáng để đi nhưng không ngờ rằng đó là một cái bẫy giăng sẵn. Để khai tử Dạ Lan, họ đã sản xuất ra chất kem gây chảy nước chỉ trong một thời gian ngắn. Đối tác trả hàng, khách hàng bỏ sản phẩm và sau đó họ gọi tôi lên nói rằng không thể sản xuất tiếp nữa", ông Trịnh Thành Nhơn đau đớn nhớ lại.

Chưa hết, năm 1998, phía Colgate Palmolive còn quyết định giải thể luôn công ty này vì thua lỗ. Tuy nhiên, ông Nhơn cho biết, sau 3 năm liên doanh với Dạ Lan, Colgate Palmolive đã chiếm được 10% thị phần, tương đương với 30 triệu USD.

Thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan không quá quen thuộc đối với lớp trẻ ngày nay nhưng nó lại từng là ký ức hằn sâu trong trí nhớ của những người thuộc thế hệ 5X, 6X… Những câu chuyện khởi nghiệp đầy nghị lực của ông Trịnh Thành Nhơn, chủ Công ty Sơn Hải và cú liên doanh liều lĩnh với Colgate từng là những chủ đề dậy sóng truyền thông những năm 1995.

Khát vọng "hồi sinh"

Khẳng định lựa chọn đối tác không sai, ông Nhơn cho rằng, doanh nghiệp và người làm chủ cần có kinh nghiệm trong hợp tác kinh doanh, trong trường hợp, kinh doanh một lĩnh vực không thành công, cần tìm một hướng rẽ hoặc ngõ hẹp phù hợp để chuyển hướng.

"Khi họ vẽ một bức tranh quá tốt mà vô tình không biết rằng đó chính là cái bẫy của họ, khi mình đã vướng vào bẫy rồi thì có thể rút chân làm sao được... May mắn cho tôi, vì tôi vẫn có thể tiếp tục phát triển thương hiệu Dạ Lan bởi Colgate Palmolive mua thương hiệu Dạ Lan nhưng không đăng ký bảo hộ độc quyền”.

Năm 2009, 10 năm sau khi hợp đồng liên doanh giữa Dạ Lan và Colgate hết hiệu lực, ông Nhơn từ Canada trở về Việt Nam tiếp tục đăng kí và phát triển lại thương hiệu Dạ Lan và thành lập Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế (ICC). Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, kem Dạ Lan vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng ở thị trường. Đã 14 năm trôi qua, mục tiêu tìm lại hào quang xưa cho Dạ Lan của ông Nhơn vẫn còn rất xa.

Năm 2020, tình hình kinh doanh của Hóa mỹ phẩm quốc tế chưa quá khả quan với doanh thu thuần ghi nhận hơn 38.591 tỷ đồng, do gánh nặng chi phí tài chính nên LNST ghi nhận gần 5 tỷ đồng.

Sang năm 2021, doanh thu thuần công ty ghi nhận gần 25.051 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chi phí tài chính được tiết giảm đáng kể chỉ bằng ¼ cùng kỳ, kết quả ICC báo lãi hơn 172 triệu đồng.

Năm 2022, Hóa mỹ phẩm quốc tế ghi nhận khoản doanh thu thuần 28.604 tỷ đồng, song lợi nhuận lại chỉ vỏn vẹn 101 triệu đồng. Chi phí tài chính ghi nhận ở mức 2 tỷ đồng.

Kem đánh răng Dạ Lan từng lụi tàn sau cú bắt tay với Colgate, đã hồi sinh với doanh thu bất ngờ 28.600 tỷ

"Tôi nghĩ cho dù chúng ta chọn ngành nghề gì thì mình phải nỗ lực hết lòng, hết sức và có tâm huyết với nó thì mới có thể có hy vọng thành công. Ngay cả bản thân tôi ngày hôm nay có được một thương hiệu như thế này cũng đã bỏ ra rất là nhiều tâm huyết trong suốt hơn 40 năm. Có những lúc tôi nhớ lại cái thời mà năm thập niên 70, những ngày khi đó từng có lúc trở về hai bàn tay trắng, chỉ còn duy nhất một can dầu dừa với mục tiêu là cố gắng gầy dựng lại từ đống tro tàn. Cho đến giờ, tôi đã 60 tuổi, tôi vẫn tiếp tục kiên trì để có thể giành lại thị phần mà Dạ Lan đã từng có trước đây.

Tôi cũng từng nói với các con tôi là nếu như không may bố không thể đeo đuổi được thì các con sẽ là người nối nghiệp. Mỗi ngày qua đi tôi đều phải nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh, khi ngủ tôi cũng mơ đến. Tôi muốn các bạn biết rằng, chẳng có gì dễ dàng cả, và nếu dễ dàng có cũng sẽ dễ dàng mất. Nếu chúng ta không kiên trì, không nỗ lực theo đuổi thì cái hoàn cảnh khó khăn sẽ cứ đeo đuổi chúng ta trên hành trình mà chúng ta khởi nghiệp", ông chủ Dạ Lan kết lại.

Bị đối thủ mạnh dồn ép ngay chính sân nhà, hãng bia 60 năm nức tiếng Hà thành Habeco đang ấp ủ kế hoạch gì?

4 loại đất vi phạm vẫn được xét cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024

Một công ty điện đã lần thứ 3 chi tạm ứng cổ tức 2023 cho cổ đông, tổng tỷ lệ 35%

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kem-danh-rang-da-lan-tung-lui-tan-sau-cu-bat-tay-voi-colgate-da-hoi-sinh-voi-doanh-thu-bat-ngo-28600-ty-198232.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kem đánh răng Dạ Lan từng lụi tàn sau cú bắt tay với Colgate, đã hồi sinh với doanh thu bất ngờ 28.600 tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH