Kênh đào 300 năm đầu tiên ở đất phương Nam, huy động 10.000 nhân công hợp lực ròng rã suốt 3 tháng
Để hoàn thành công trình thủy lợi nội đồng vĩ đại này, đã có hàng chục nghìn người dân phải trải bao năm tháng ròng rã, đổ mồ hôi.
Khi người Việt đặt chân đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, họ đã nỗ lực khai thác hệ thống sông ngòi chằng chịt tại đây bằng cách nạo vét, khai rạch và đào kênh, nhằm dẫn nước vào các cánh đồng và tạo ra những con đường thủy thuận tiện cho việc di chuyển, buôn bán.
Ngay từ đầu thế kỷ XVII, dưới thời các chúa Nguyễn, người Việt đã bắt đầu công cuộc đào kênh. Trong số đó, kênh Bảo Định là con kênh đào đầu tiên ở vùng đất phương Nam. Kênh này được đào bằng sức người hai lần vào các năm 1705 và 1819. Đến năm 1867, đây tiếp tục là con kênh đầu tiên ở Nam Kỳ lục tỉnh được người Pháp nạo vét bằng cơ giới xáng cạp.
Sông Bảo Định, còn được gọi là kênh Vũng Gù, là một thủy lộ nối liền rạch Vũng Gù (TP. Tân An, tỉnh Long An) với rạch Mỹ Tho (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay). Kênh này được Nguyễn Cửu Vân khởi đào từ năm 1705, khi ông dẫn quân vào bảo vệ vùng đất mới bình định.
Theo sách Gia Định thành thông chí, sau khi Chánh thống suất Cai cơ Nguyễn Cửu Vân đem quân đánh dẹp giặc Cao Miên năm 1705, để ngăn giặc quay lại quấy nhiễu, ông cho đắp một chiến lũy dài từ Thị Cai, Tân An (tỉnh Long An) đến chợ Bến Tranh thuộc thôn Lương Phú, Mỹ Tho (nay là xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).
Sau khi chiến lũy được đắp xong, Nguyễn Cửu Vân tiếp tục chỉ đạo đào một con hào dài, sâu và rộng bên ngoài lũy, dẫn nước từ hai ngọn rạch Vũng Gù và Mỹ Tho. Hào nước này ban đầu là một tuyến phòng thủ, nhưng theo thời gian, người dân đã mở rộng và khai thác để trở thành tuyến đường giao thông thủy tiện lợi. Chính con hào nước này đã trở thành tiền thân của kênh Bảo Định.
Thủy lộ do tướng Nguyễn Cửu Vân khai mở đã hoạt động hơn 100 năm trước khi bị bồi lắng. Năm 1819, vua Gia Long cho nạo vét mở rộng con kênh và đặt tên là Bảo Định hà, tồn tại cho đến ngày nay.
Theo tài liệu Tân An xưa, sông Bảo Định nối liền Vàm Cỏ Tây qua Tiền Giang tại tỉnh lỵ Mỹ Tho. Thời xưa, sông này vốn là hai khúc rạch nhỏ, nhờ công lao của Vân Trường Hầu Nguyễn Cửu Vân mà chúng được nối liền thành một, tạo nên tuyến thủy lộ thông thương từ Vũng Gù qua sông Mỹ Tho. Năm 1819, vua Gia Long đã huy động khoảng 1 vạn nhân công để nới rộng dòng chảy của khúc rạch dài khoảng 14km này.
Sau khi kênh được đào hoàn thành, vua Gia Long đã khen ngợi công trình và đặt tên cho nó là Bảo Định hà, đồng thời cho tạc bia đá ghi lại sự kiện này để lưu truyền cho đời sau. Bia đá được dựng bên bờ kênh ở chợ Thang Trông (nay là xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Đây là lần thứ hai việc đào kênh được thực hiện hoàn toàn bằng sức người.
Kể từ khi hoàn thành, kênh Bảo Định luôn giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực quân sự, thủy lợi, giao thông và cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng. Trong ký ức của người dân xưa, dòng Bảo Định cùng với Vàm Cỏ Tây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cư dân hai bên bờ sông, bồi đắp phù sa, hội tụ thương hồ và tạo nên một vùng đất trù phú.
Dòng sông này đã liên kết thủy lưu giữa hai dòng sông mẹ là sông Tiền và Vàm Cỏ Tây, giúp xả phèn và biến vùng đất ngập trũng của các xã thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và một số địa phương của tỉnh Long An thành đất trồng lúa. Hiện nay, các khu vực này đã trở thành vùng đất vườn, trồng được nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế của khu vực Tây Nam Bộ.
Sau khi kênh Chợ Gạo được người Pháp khánh thành vào năm 1877, kênh Bảo Định mất dần vị thế số một, nhưng vẫn được xem là tuyến thủy lộ ngắn nhất từ Mỹ Tho đến Tân An.
Năm 1974, chính quyền Tân An đã xây cống ngăn nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây chảy vào Bảo Định, nhưng việc lưu thông từ TP. Mỹ Tho đến TP. Tân An vẫn được duy trì. Đến năm 2004, một cống ngăn mặn lớn khác đã được xây dựng trên Quốc lộ 50 thuộc xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) và vào năm 2012, một cống ngăn mặn nữa đã được xây dựng trên kênh Bảo Định ở lòng TP. Tân An.
Dù ngày nay, hoạt động giao thông trên kênh Bảo Định không còn như xưa, vai trò lịch sử của Bảo Định hà vẫn in đậm trong ký ức và lịch sử hàng trăm năm. Theo ghi chép trong Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho năm 1902, kênh Bảo Định từng là con kênh "được ghe thuyền của người bản xứ ngược xuôi tấp nập".
Về Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân, ngoài những đóng góp công sức về quân sự, kinh tế, ông còn là người có công lớn trong việc phát triển văn hóa, tín ngưỡng trên vùng đất mới.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép, ông là người cho xây dựng đền thờ Long Vương ở thôn Long Sơn, huyện Long Thành xưa, nay thuộc đất Đồng Nai. Đền này thờ Nhất, Nhị, Tam lang Long Vương, được ông cho xây dựng trong thời gian ông đem quân đi đánh Cao Miên. Một ngôi chùa nổi tiếng khác do tướng Nguyễn Cửu Vân xây dựng là chùa Hộ Quốc ở thôn Đắc Phước, huyện Phước Chính (nay thuộc Tân Vạn, Biên Hòa, Đồng Nai).
Trong nhiều tài liệu, tướng Nguyễn Cửu Vân được nhìn nhận là một danh tướng và là nhà doanh điền đời chúa Nguyễn Phúc Chu, có công rất lớn trong việc mở mang, giữ yên bờ cõi và khẩn hoang vùng Tây Nam Bộ. Những ghi chép về Nguyễn Cửu Vân chỉ bắt đầu từ năm 1705, khi ông vào Nam đánh dẹp Cao Miên và đắp chiến lũy, đào hào nước, khai khẩn đất hoang thành ruộng rẫy ở vùng Tân An, Mỹ Tho.