Du ngoạn

Kênh đào bằng máy đầu tiên từng lớn bậc nhất Việt Nam dài 45km, là tuyến 'thủy lộ' huyết mạch chở lúa gạo suốt trăm năm

Vĩ Hạ 30/07/2024 - 22:35

Tuyến kênh này dài 45km, nối Cần Thơ - Kiên Giang và mất 3 năm đào bằng xáng mới hoàn thành.

Kênh Xà No dài khoảng 45km, bắt nguồn từ ngã ba Vàm Xáng, sông Cần Thơ (nhánh lớn sông Hậu), đoạn qua huyện Phong Điền chạy dài tới ngã ba sông Ba Voi (Hậu Giang) trước khi đổ ra sông Cái Lớn (Kiên Giang) chảy ra biển Tây.

Một đoạn kênh Xà No nhìn từ trên cao. Ảnh: Lý Anh Lam

Một đoạn kênh Xà No nhìn từ trên cao. Ảnh: Lý Anh Lam

Tuyến kênh này được xác định là công trình thủy lợi lớn đầu tiên ở Nam Bộ có sự trợ lực của kỹ thuật phương Tây. Lúc bắt tay thực hiện, công trình kênh Xà No về đường sông được so sánh mức độ hoành tráng tương đương với công trình xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho về đường bộ.

Ý tưởng đào kênh bắt nguồn từ hai thương nhân người Pháp là Duval và Guery. Do thấy vùng Hậu Giang đất rộng nên Duval và Guery đã “vận động hành lang” với quan Toàn quyền Paul Doumer để phác thảo kênh Xà No vào năm 1900.

Kênh Xáng Xà No đoạn qua Vị Thanh. Ảnh: Lý Anh Lam

Kênh Xáng Xà No đoạn qua Vị Thanh. Ảnh: Lý Anh Lam

Kênh Xà No được đào từ tháng 2/1901 đến tháng 7/1903, bề ngang trên mặt rộng 60m, bề sâu đến đáy 40m. Tổng kinh phí là 3,68 triệu Franc. Kênh Xà No được đào bằng tiến bộ kỹ thuật thủy lợi phương Tây và là kênh đào máy đầu tiên lớn nhất miền Tây.

Kênh xáng Xà No xưa. Ảnh: Trung tâm Văn hóa, Thể thao TP. Vị Thanh

Kênh xáng Xà No xưa. Ảnh: Trung tâm Văn hóa, Thể thao TP. Vị Thanh

Nhà thầu đã điều động 4 chiếc máy xáng chạy bằng hơi nước, với những giàn gàu bằng sắt. Mỗi chiếc máy xáng 350 mã lực, gàu múc 375 lít, thổi bùn xa đến 60 thước. Giàn gàu của xáng chạy theo vòng tròn, như xe đạp nước. Từ xa, chiếc xáng giống như chiến hạm, máy chạy vang rền suốt 53 cây số, mang theo các chuyên gia Pháp và hàng trăm ngàn công nhân.

Sau này, để dẫn nước tưới, tiêu cho 40.000ha ruộng đồng, người Pháp tiếp tục cho đào những con kênh cắt ngang, cứ cách 500m thì đào một kênh nhỏ, 1.000m đào một kênh lớn và đào theo lối “xôm lươn” (nằm lệch nhau).

Từ khi kênh xáng Xà No được đào xong, người dân tứ xứ cũng nhanh chóng đến cất nhà, buôn bán, hình thành nên “văn minh kênh xáng”:

"Kênh xáng mới đào, tàu Tây mới chạy

Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình

Con nhạn bay cao khó bắn, con cá ở ao Quỳnh khó câu".

Trước đó, việc vận chuyển lúa gạo ở Nam Bộ chủ yếu bằng đường biển thông qua thương khẩu Rạch Giá. Việc xuất hiện kênh xáng Xà No đã nối liền biển Tây với sông Hậu, ngoài việc giải quyết tiêu thoát nước cho khoảng 40.000ha đất thuộc miền Hậu Giang còn phục vụ cho người dân đến khai hoang, sản xuất và sinh sống.

Đồng thời, đây là trục kênh rất quan trọng cho việc hình thành các tụ điểm giao lưu kinh tế, văn hoá xã hội sầm uất và tạo nên huyết mạch giao thương lúa gạo.

Kênh Xà No là tuyến thủy lộ huyết mạch, lớn bậc nhất tại Nam Kỳ. Ảnh: Trung Quân

Kênh Xà No là tuyến thủy lộ huyết mạch, lớn bậc nhất tại Nam Kỳ. Ảnh: Trung Quân

Theo số liệu năm 1899, mỗi năm, Nam Kỳ xuất cảng được 500.000 tấn lúa gạo, từ khi có kênh xáng Xà No đã tăng lên 1,3 triệu tấn. Riêng Cần Thơ, mỗi năm xuất 116.000 tấn lúa gạo, đứng hạng nhất lúc bấy giờ. Bởi thế, kênh Xà No một thời được mệnh danh "con đường lúa gạo" miệt sông Hậu. Hơn 120 năm hình thành, đến bây giờ dòng Xà No vẫn giữ vị trí quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, đây là trục kênh rất quan trọng cho việc hình thành các tụ điểm giao lưu kinh tế, văn hoá xã hội sầm uất và tạo nên huyết mạch giao thương lúa gạo. Từ những cánh đồng lúa bạt ngàn, ghe xuồng chở lúa ra kênh xáng Xà No - nơi có những chiếc sà lan lớn đang chờ "ăn lúa" đưa về Cần Thơ, Kiên Giang, TP. HCM và nhiều nơi khác.

Ngày nay, ngoài nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang còn tính khai thác dòng Xà No phát triển du lịch. Cuối năm 2009, tỉnh Hậu Giang đã đăng cai tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất nhằm tôn vinh tiềm năng lúa gạo Việt Nam. Nhân dịp này, hội thảo “Kênh xáng Xà No - con đường lúa gạo miền Hậu Giang” đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học.

Tàu du lịch Xà No. Ảnh: Đại Phúc

Tàu du lịch Xà No. Ảnh: Đại Phúc

Tháng 1/2022, tỉnh Hậu Giang đưa vào khai thác tàu du lịch Xà No. Trải nghiệm trên tàu, du khách ngoài được thưởng thức các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, dân dã của địa phương, còn được thưởng thức và giao lưu những sản phẩm văn hóa tinh thần qua sức lan tỏa của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

>> Kênh đào gần 90km lớn nhất lịch sử phong kiến Việt Nam, huy động hơn 90.000 dân binh làm việc suốt 5 năm

'Siêu' kênh đào 135km huy động hàng nghìn công nhân đào đắp 300 triệu m3 đất đá, tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 tấn, sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho giao thông đường thủy khu vực

Siêu dự án kênh đào dài 285km: Huy động 6.000 người, 3.400 máy xây dựng, ‘hô biến’ 55.000ha sa mạc thành đất nông nghiệp

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/kenh-dao-bang-may-dau-tien-tung-lon-bac-nhat-viet-nam-dai-45km-la-tuyen-thuy-lo-huyet-mach-cho-lua-gao-suot-tram-nam-d129017.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kênh đào bằng máy đầu tiên từng lớn bậc nhất Việt Nam dài 45km, là tuyến 'thủy lộ' huyết mạch chở lúa gạo suốt trăm năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH