Siêu dự án kênh đào 1.800km niên đại 2.500 năm: Từng huy động 3 triệu nhân công đào hơn 2.000 nhánh, nối liền 5 lưu vực sông lớn
Siêu kênh đào này đã giúp kinh tế thời bấy giờ của cả một vùng rộng lớn phát triển vượt bậc.
Kênh đào Đại Vận Hà, được xây dựng vào khoảng năm 468 trước Công Nguyên, đến nay đã có tuổi đời hơn 2.500 năm. Với lịch sử lâu dài và vai trò quan trọng trong giao thông vận tải của Trung Quốc cổ đại, Đại Vận Hà không chỉ là một công trình kiến trúc vĩ đại mà còn là một biểu tượng của sự phát triển kỹ thuật và quản lý nước trong thời kỳ đó. Kênh đào này đóng vai trò thiết yếu trong việc kết nối các vùng kinh tế và là một trong những thành tựu nổi bật nhất của nền văn minh Trung Quốc thời cổ đại.
Theo đó, công trình là một hệ thống tuyến đường thủy ở miền Đông và miền Bắc nước này, bắt đầu từ Bắc Kinh, kết thúc tại thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, nối sông Hoàng Hà và sông Dương Tử.
Với chiều dài lên tới 1.800km, đây là đường thủy nhân tạo dài nhất thế giới. Theo tài liệu cổ ghi lại, để tạo nên công trình vĩ đại này đã cần tới sức lực của hơn 3 triệu nhân công với thời gian thi công 6 năm.
Con kênh được xây dựng thành nhiều đoạn ở các khu vực khác nhau trong các thời kỳ, bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Nhưng phải tới thế kỷ thứ 7, dưới sự chỉ huy của Tùy Dạng Đế, công trình bước vào giai đoạn mở rộng quy mô.
Vào thời kỳ hoàng kim, Đại Vận Hà gồm hơn 2.000 nhánh, nối liền 5 lưu vực sông lớn nhất của Trung Quốc. Hệ thống kênh đào được xây dựng để vận chuyển thóc gạo dư thừa từ vựa lúa ở châu thổ sông Trường Giang và sông Hoài tới kinh thành, cung cấp lương thực cho các doanh trại quân đóng ở phía Bắc.
Ngoài ra, kênh đào này còn đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo việc thông thương và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh phía Bắc, phía Nam thuộc miền Đông Trung Quốc.
Tính đến năm 735, gần 150 triệu kg ngũ cốc đã được vận chuyển hàng năm dọc theo kênh đào Đại Vận Hà. Ngoài ngũ cốc, kênh đào này còn vận chuyển nhiều mặt hàng khác như bông, đồ gốm sứ, và các sản phẩm thương mại quan trọng khác. Nhờ vào mạng lưới giao thông này, nền kinh tế Trung Quốc thời đó đã phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và giao thương giữa các vùng miền.
Cho đến khi triều đại Nguyên Mông (1271-1368) dời thủ đô từ Khai Phong đến Bắc Kinh, họ đã quyết định loại bỏ các nhánh kênh đào dẫn tới Khai Phong và Lạc Dương vì không còn sử dụng đến. Thay vào đó, họ thiết lập một lối đi tắt qua tỉnh Sơn Đông, giúp rút ngắn độ dài của kênh đào khoảng 700km.
Cho đến giữa thời nhà Minh (1368-1644), Đại Vận Hà trải qua quá trình đại tu. Con kênh được cải tiến liên tiếp, mang lại nhiều thành tựu xuất sắc, cũng nhờ đó tạo ra nhiều đổi mới kỹ thuật phi thường. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của đường sắt, kênh đào Đại Vận Hà dần rơi vào tình trạng hoang phế và hư hỏng.
Ngày nay, chỉ còn đoạn kênh từ Hàng Châu đến Tế Ninh vẫn có thể điều hướng được. Phần trung tâm và phía Nam của kênh đào vẫn được duy trì và sử dụng chủ yếu để vận chuyển than khai thác từ các mỏ ở hai tỉnh Sơn Đông và Giang Tô.
Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Đại Vận Hà là một di sản văn hóa quý giá cần được bảo vệ, kế thừa và sử dụng. Kể từ đó, Trung Quốc đã triển khai các dự án phục hồi sinh thái nhằm khôi phục giá trị của kênh đào này.
Các dự án tập trung vào việc chuyển đổi các khu công nghiệp, đô thị và thị trấn dọc theo Đại Vận Hà. Đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm nước, khơi thông và nạo vét các đoạn kênh, tạo điều kiện cho các chuyến tàu du lịch và tàu chở hàng hoạt động trở lại dọc theo tuyến đường từng được biết đến với tên gọi "Hoàng kim Thủy lộ".
Những hoạt động này không chỉ giúp khôi phục chức năng của kênh đào mà còn thúc đẩy ngành du lịch và vận tải, đồng thời bảo tồn một di sản văn hóa quan trọng này cho các thế hệ sau.