Kênh đào dài hơn 6km lập kỷ lục sâu nhất thế giới: Đục xuyên núi đá vôi gần 80m, hiện thực hóa giấc mơ hơn 2.500 năm của con người
Với sự xuất hiện của kênh đào này, các tàu thuyền có thể tiết kiệm được khoảng 700km đường biển, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.
Kênh đào Corinth nằm ở Hy Lạp, là một trong những kỳ quan kỹ thuật và kiến trúc nổi bật nhất của thế giới.
Với chiều dài khoảng 6,4km và rộng 21,4m, kênh đào này nối liền vịnh Corinth ở biển Ionian với vịnh Saronic ở biển Aegean. Được xây dựng từ thế kỷ XIX, kênh đào Corinth đã đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn hành trình đường biển giữa hai vùng biển lớn của Hy Lạp.
Thực tế, ý tưởng xây dựng kênh đào Corinth đã xuất hiện từ thời cổ đại. Người Hy Lạp cổ đại, đặc biệt là bạo chúa Periander của xứ Corinth vào năm 602 Trước Công nguyên, đã xem xét khả năng xây dựng một kênh đào ở eo đất Corinth để tránh việc phải đi vòng quanh Peloponnese, rút ngắn tuyến đường lại. Tuy nhiên, vì kỹ thuật và công nghệ thời bấy giờ chưa đủ phát triển, ý tưởng này đã không thể thực hiện.
Các triều đại và chính quyền sau này cũng đã nghiên cứu và tiến hành xây dựng nhưng đều thất bại.
Mãi đến thế kỷ XIX, với sự phát triển của kỹ thuật xây dựng hiện đại, kênh đào Corinth mới trở thành hiện thực. Công trình được khởi công vào năm 1881 và hoàn thành vào năm 1893.
Trước khi kênh đào được xây dựng, các tàu thuyền phải đi vòng qua bán đảo Peloponnesus, một hành trình dài và nguy hiểm. Với sự xuất hiện của kênh đào, các tàu thuyền có thể tiết kiệm được khoảng 700km đường biển, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, công trình này đã gặp nhiều khó khăn và thách thức, bao gồm địa hình khó khăn và các vấn đề tài chính.
Kênh đào Corinth đã trải qua trận động đất vào năm 1923, khiến khoảng 40.000m khối tường bao quanh kênh bị chìm xuống nước. Các mảnh vỡ tích tụ mất khoảng 2 năm để được dọn sạch hoàn toàn, sau đó, tàu thuyền mới có thể di chuyển trở lại an toàn. Con kênh cũng trải qua những hư hại nghiêm trọng trong Thế chiến II vì đây là một trong những địa điểm có tầm quan trọng chiến lược.
Năm 1944, khi quân Đức rút lui khỏi Hy Lạp, họ đã sử dụng chất nổ trong các hoạt động "thiêu đốt" con kênh để ngăn chặn hoạt động của con kênh và cản trở công việc sửa chữa.
Tháng 11/1947, lục quân Mỹ bắt đầu công việc khai thông con kênh. Nó đã được mở lại vào tháng 7/1948. Ngày nay, có khoảng 11.000 tàu đi qua kênh Corinth mỗi năm, chủ yếu là tàu du lịch cỡ nhỏ.
Mặc dù đây vẫn là một tuyến đường hàng hải quan trọng, nhưng chiều rộng của kênh ở mực nước biển là 24,6m và ở đáy là 21,3m, cùng vách đá thẳng đứng hai bên tạo ra khoảng cách quá hẹp cho những tàu thuyến lớn đi qua. Cũng từ đó, con kênh được mệnh danh là "kênh đào hẹp nhất thế giới".
Kênh đào Corinth nổi bật bởi vị trí và thiết kế độc đáo. Nó được xây dựng cắt xuyên qua núi đá vôi, tạo ra các bức tường đá dựng đứng cao tới 79m. Vì thế, công trình này đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ trong thiết kế và xây dựng.
George Zouglis, Tổng Giám đốc của Corinth Canal SA, từng chia sẻ với CNN về việc chia đôi eo đất: “Đây là một công việc cực kỳ phức tạp và đầy thử thách. Không hề nghi ngờ gì, đây là một trong những thành tựu kỹ thuật vĩ đại nhất được áp dụng công nghệ hiện đại của thời bấy giờ”.
Ngày nay, kênh đào không chỉ là một tuyến đường vận chuyển quan trọng mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn. Đây là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách thăm quan nhất tại Hy Lạp. Du khách đến đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh kênh đào từ các cây cầu bắc qua hoặc tham gia các chuyến du thuyền để trải nghiệm hành trình qua kênh đào.
Mặc dù kênh đào Corinth đã đóng góp lớn cho giao thông hàng hải, nhưng nó cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề sạt lở và bảo dưỡng. Do kênh được cắt xuyên qua địa hình núi đá vôi, hiện tượng sạt lở thường xuyên xảy ra, đòi hỏi việc bảo dưỡng và gia cố liên tục.
Các công tác bảo dưỡng bao gồm việc nạo vét đáy kênh được diễn ra định kỳ để đảm bảo độ sâu cần thiết cho tàu thuyền qua lại và gia cố các bức tường đá để ngăn ngừa sạt lở. Chính phủ Hy Lạp và các cơ quan quản lý kênh đào đã không ngừng nỗ lực để duy trì và cải thiện công trình này, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc sử dụng.