Tài chính Ngân hàng

Khi 'mắt không thấy, tim không đau': Vì sao chúng ta chi tiêu vô tội vạ?

Gia Bảo 14/02/2025 17:37

Xã hội không tiền mặt mang lại tiện lợi vượt trội, nhưng liệu bạn có đang vô tình chi tiêu mất kiểm soát mà không hề hay biết?

Hậu đại dịch COVID-19, việc sử dụng tiền mặt dần trở nên lỗi thời, nhường chỗ cho các hình thức thanh toán không tiếp xúc. Một chiếc thẻ ngân hàng hoặc chỉ cần chiếc điện thoại có ví điện tử đã đủ để bạn ra ngoài, không còn phải lo lắng về chiếc ví cồng kềnh. Sự tiện lợi này nhanh chóng chinh phục số đông, biến xã hội không tiền mặt trở thành một xu hướng tất yếu.

Nhưng điều gì đang xảy ra khi những thao tác nhanh gọn như quẹt thẻ hay quét mã QR lại khiến "túi tiền" của chúng ta vơi đi nhanh chóng mà không hề hay biết?

Hiệu ứng chi tiêu không tiền mặt: Tiền "bay màu" không dấu vết

Sự phát triển của thanh toán không tiền mặt đã làm thay đổi cách chúng ta chi tiêu. Hiện tượng "cashless effect" chỉ ra rằng người dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi không sử dụng tiền mặt. Những hình thức thanh toán như ví điện tử, chuyển khoản hay thẻ ngân hàng dần loại bỏ cảm giác cầm nắm tiền thật, khiến việc chi tiêu trở nên vô thức và khó kiểm soát hơn.

Sự vô hình của tiền bạc khi thanh toán không tiền mặt khiến chúng ta dễ dàng rơi vào cái bẫy tâm lý chi tiêu. Các nền tảng thương mại điện tử khai thác rất tốt điều này bằng cách cung cấp mã giảm giá hấp dẫn để khuyến khích thanh toán trực tuyến.

Điều gì trong tâm lý của chúng ta khiến việc "quẹt thẻ" dễ dàng hơn hẳn so với việc móc ví trả tiền mặt?

Khi 'mắt không thấy, tim không đau': Vì sao chúng ta chi tiêu vô tội vạ?
Sự vô hình của tiền bạc khi thanh toán không tiền mặt khiến chúng ta dễ dàng rơi vào cái bẫy tâm lý chi tiêu. Ảnh minh họa

Tâm lý chi tiêu: Khi "mắt không thấy, tim không đau"

Cảm giác "đau lòng" khi tiêu tiền, hay còn gọi là pain of payment, gần như bị triệt tiêu khi bạn không trực tiếp nhìn thấy tiền mặt "ra đi". Hành động đếm và trao tay những tờ tiền thường mang lại cảm giác mất mát rõ rệt, khiến bạn cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi chi tiêu.

Tuy nhiên, trong thanh toán không tiền mặt, cảm giác này gần như biến mất. Chỉ một thao tác quét mã hoặc quẹt thẻ là bạn đã hoàn thành giao dịch mà không cần nghĩ nhiều. Điều này dễ dàng dẫn đến thói quen tiêu dùng quá độ, đặc biệt khi sử dụng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng.

Khi không nhìn thấy tiền thực sự biến mất, chúng ta dễ dàng rơi vào projection bias (thiên kiến dự báo) – một dạng tâm lý khiến bạn nghĩ rằng mình "vẫn ổn" và có thể tiếp tục chi tiêu, bất chấp tài khoản đã vơi đi. Đây chính là lý do nhiều người rơi vào cảnh nợ nần chồng chất mà không hề nhận ra.

Xã hội khuyến khích nền kinh tế không tiền mặt

Sự bùng nổ của công nghệ tài chính và tiền mã hóa đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế không tiền mặt (cashless economy). Chỉ với một thao tác đơn giản, từ quét mã QR đến thanh toán tự động qua các ứng dụng, việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Các dịch vụ đăng ký trực tuyến (subscription) khiến việc chi tiêu gần như vô hình khi tiền tự động trừ mỗi tháng. Ngay cả khi bạn không đủ tiền trong tài khoản, các dịch vụ "mua trước trả sau" (buy now, pay later) cũng mở ra cơ hội để tiếp tục tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự tiện lợi này đi kèm với những hệ quả đáng báo động. Ở nhiều quốc gia như Mỹ hay Singapore, thanh toán không tiền mặt là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân phải gánh chịu áp lực nợ nần ngày càng gia tăng.

Khi 'mắt không thấy, tim không đau': Vì sao chúng ta chi tiêu vô tội vạ?
Chỉ với một thao tác đơn giản, từ quét mã QR đến thanh toán tự động qua các ứng dụng, việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa

Làm thế nào để kiểm soát thói quen chi tiêu trong thời đại số?

Để hạn chế rủi ro tài chính, bạn cần nhận thức rõ tác động của hiệu ứng không tiền mặt và điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình. Quy đổi các khoản chi tiêu lớn ra tiền mặt là cách hiệu quả để bạn cảm nhận được giá trị thực sự của số tiền mình đang chi. Khi nhìn thấy và trực tiếp trao đi một số tiền lớn, bạn sẽ cân nhắc nhiều hơn trước mỗi quyết định mua sắm.

Ngoài ra, hãy đặt ra giới hạn chi tiêu hàng tuần bằng tiền mặt. Việc rút một khoản cố định và cam kết chỉ sử dụng số tiền đó giúp bạn kiểm soát tốt hơn chi tiêu của mình, tránh tình trạng "mua sắm bốc đồng" vượt ngoài dự tính.

>> Chi tiêu kiểu ‘click chuột’ – Người trẻ có đang tự đẩy mình vào bẫy nợ?

Người giàu và người nghèo khác nhau ở 3 tư duy tiền bạc này

Tiền bạc và luật hấp dẫn: Vì sao người biết ơn và hào phóng thường giàu có?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khi-mat-khong-thay-tim-khong-dau-vi-sao-chung-ta-chi-tieu-vo-toi-va-276315.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khi 'mắt không thấy, tim không đau': Vì sao chúng ta chi tiêu vô tội vạ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH