'Khóc ròng' ở trường quốc tế học phí tiền tỷ: Đi không được, ở cũng không xong
Tin tưởng nhà trường, không ít phụ huynh ‘xuống tiền’ cho vay từ vài tỷ đến chục tỷ. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập với mức chi phí 0 đồng. Đây cũng là nguồn cơn khiến nhiều phụ huynh ‘khóc ròng’ vì chờ mòn mỏi nhưng không đòi được “nợ”.
Những lùm xùm ở trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN)trong thời gian qua gây xôn xao dư luận. Ngôi trường này từng gây chú ý hồi cuối tháng 9 năm ngoái khi bị nhiều phụ huynh tụ tập đòi nợ, số khác làm đơn kiện lên toà án yêu cầu trả tiền và lãi suất.
Đây vốn là số tiền phụ huynh cho trường vay không lãi suất, không tài sản thế chấp, chỉ thông qua hợp đồng vay vốn. Bù lại, con của họ được học miễn phí, trường sẽ trả lại số tiền vay khi học sinh tốt nghiệp hoặc chuyển trường. Tuy nhiên, khi việc học kết thúc, các phụ huynh này lại rơi vào cảnh mòn mỏi đi “đòi nợ”.
Vừa qua, phụ huynh có con theo học trường này tiếp tục gửi cầu cứu đến cơ quan chức năng tại TP.HCM vì “1.400 học sinh đang bị thất học”. Nguyên nhân là do chủ sở hữu trường không thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội cho giáo viên khiến nhiều thầy cô không đi dạy.
Đến ngày 20/3, dù có thông báo đón học sinh trở lại, nhưng có không ít tiết cả trăm học sinh phải ngồi căng tin vì không có giáo viên. Điều này khiến học sinh hoang mang không biết đến trường có được học hay không.
Chia sẻ trên VietNamNet, một độc giả cho rằng để xảy ra sự việc này, ngoài trách nhiệm của nhà trường, sai lầm lớn còn đến từ phía phụ huynh. “Phụ huynh đã sai khi quá tin tưởng vào nhà trường, không nắm được năng lực tài chính của trường nên không tính đến các phương án rủi ro. Điều này đã khiến phụ huynh khốn khổ, đóng nhiều tiền nhưng việc học của con giờ đây bấp bênh, ở cũng không được mà lui cũng không xong”.
Độc giả M.H.T cũng cho rằng phụ huynh không nên đặt tương lai của con mình vào một ván cờ may rủi. “Với hàng chục tỷ như vậy, tại sao phụ huynh không gửi tiền ngân hàng, lấy lãi chi trả học phí cho con? Điều quan trọng nhất, phụ huynh sẽ đảm bảo được vấn đề an toàn tài chính và có thể rút vốn bất kỳ lúc nào. Việc cho trường vay (thực chất là hình thức huy động vốn) như vậy không có gì đảm bảo, ngoại trừ niềm tin của phụ huynh với thương hiệu của trường”.
Nhiều độc giả cũng cho rằng, phụ huynh cần cẩn trọng khi “xuống tiền” bởi cho trường vay tiền như vậy chẳng khác nào “cầm dao đằng lưỡi”. “Giao dịch chỉ bằng niềm tin, không tài sản thế chấp sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tất nhiên, các phụ huynh có tiền cho con học trường quốc tế, chắc chắn cũng là những người giàu có, tư duy sành sỏi, họ nhìn thấy lợi ích nên mới cho trường vay. Nhưng chính họ cũng không lường trước được nguy cơ trường khó khăn hay vỡ nợ, từ đó không thể thu hồi được tiền”, độc giả Thanh Chương bày tỏ.
Do đó, độc giả này cho rằng, phụ huynh cần tỉnh táo cân nhắc, xem xét các rủi ro trước khi thực hiện giao dịch, ký kết góp vốn, huy động vốn.
“Không có bữa cơm nào miễn phí. Tiền cầm trong tay còn chưa biết giữ được không, không nên đưa cho người khác cầm như thế”, một độc giả khác viết.
Có con đang học trường quốc tế, độc giả Nguyên Khoa cho rằng phụ huynh không nên tham lam khi nghe các quảng cáo đóng học phí 6 tháng, 1 năm sẽ được chiết khấu 10-20% mà đóng tiền trước, dù là học chính khóa hay phụ đạo. “Đóng trước một khoản tiền lớn để được hưởng ưu đãi sẽ rất rủi ro. Tốt nhất, con học tháng nào phụ huynh nên đóng tiền tháng ấy, tránh xảy ra chuyện trường rơi vào khủng hoảng tài chính, hoạt động dạy và học gián đoạn nhưng phụ huynh không thể đòi lại được tiền”.
Trong khi đó, số khác cho rằng, trước khi quyết định cho con học trường nào, phụ huynh nên cân nhắc tìm hiểu các vấn đề về pháp lý, tài chính của trường bên cạnh yếu tố học phí, chương trình đào tạo.
“Trường hoạt động tốt không sao, nhưng nếu trường gặp khó khăn về tài chính, không đủ kinh phí để duy trì vận hành, việc học của trẻ sẽ bị đứt gánh giữa chừng. Khi đó, để trẻ “làm lại từ đầu” sẽ rất khó khăn bởi học sinh phải thích nghi lại môi trường và lối dạy, học – vốn không phải là điều dễ dàng”.