Cầu Đuống sẽ được tháo dỡ để thay thế bằng 2 cây cầu đường bộ và đường sắt vận hành độc lập.
Ngày 22/7, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức khởi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thuỷ sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt đang được sử dụng chung như hiện nay.
Dự án được chia làm 2 gói thầu, gồm: Gói thầu cầu đường sắt Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu. Gói thầu cầu đường bộ Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu. Tổng mức đầu tư hai gói thầu là hơn 1.800 tỷ đồng.
Với tổng chiều dài 1.000m, dự án trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.
Trong đó, cầu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280m, tốc độ đảm bảo 80km/h. Cầu có bố trí đường cho người đi bộ 1 bên phải tuyến (phía hạ lưu cầu).
Đường hai đầu cầu đường sắt dài 720m là đường sắt cấp 2.
Với hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn chiều dài toàn tuyến khoảng 700m, có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên) và điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu (huyện Gia Lâm).
Trong đó, cầu đường bộ vượt sông Đuống dài 382m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp hệ dây văng.
Phần đường dẫn dài 318m, trong giai đoạn hoàn chỉnh là đường chính đô thị, vận tốc 80km/h đảm bảo chiều rộng 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp. Tuy nhiên ở giai đoạn phân kỳ dừng ở quy mô 4 làn xe cơ giới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, hiện nay khu vực phía Bắc có 3 hành lang vận tải thủy nội địa chính, trong đó hành lang số 1 qua sông Đuống từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến cảng Việt Trì đã được đầu tư nâng cấp, luồng tàu đạt cấp II, các cầu vượt sông cơ bản đã được đầu tư bảo đảm tĩnh không đường thủy nội địa.
Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất trên hành lang này là Cầu Đuống do tĩnh không thông thuyền thấp, gây tắc nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải, trong khi phương thức vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải rẻ và an toàn nhất.
“Với quy mô đầu tư bao gồm 1 cầu dành riêng cho đường sắt ở phía thượng lưu và 1 cầu dành riêng cho đường bộ ở phía hạ lưu để thay thế cầu Đuống hiện hữu, sau khi dự án hoàn thành sẽ cải thiện rất lớn điều kiện kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc thành phố Hà Nội.
Đồng thời cũng góp phần thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng và từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Huy nhấn mạnh.