Khởi động đàm phán thuế quan lần 2, Việt Nam đưa điện hạt nhân vào bàn cờ chiến lược với Mỹ
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là điện hạt nhân sẽ là động lực quan trọng giúp cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Vào ngày 19/5/2025 (giờ địa phương), phiên đàm phán lần thứ hai Hiệp định song phương về Thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức khai mạc tại Washington D.C., Hoa Kỳ. Đoàn đàm phán của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu.
Trong ngày làm việc đầu tiên, hai bên đã trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn và mang tính xây dựng về các nhóm vấn đề cùng quan tâm, tập trung làm rõ nội dung các điều khoản trong Hiệp định, đồng thời chia sẻ thông tin về chính sách hiện hành của mỗi bên. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy tiến trình đàm phán trong các bước tiếp theo.
Cũng trong ngày 19/5, bên lề phiên đàm phán, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Tập đoàn Westinghouse - một trong những Tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân. Tại đây, Bộ trưởng chia sẻ về chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn. Việt Nam sẽ tiếp cận lĩnh vực này một cách thận trọng, hiện đại và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện Việt Nam có nhiều địa điểm tiềm năng để phát triển điện hạt nhân, từ đó mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế như Westinghouse, bao gồm cả các dự án nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn và quy mô nhỏ (SMR). Bộ trưởng nhấn mạnh, hợp tác năng lượng, đặc biệt là điện hạt nhân sẽ là một động lực quan trọng góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Đáp lại, bà Margaret Cosentino, Phó Chủ tịch Westinghouse bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một mối quan hệ hợp tác năng lượng lâu dài.
Hai bên cũng thống nhất tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Westinghouse và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) về hợp tác phát triển điện hạt nhân. MOU sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: mô hình đầu tư hạ tầng (PPP, BOT), chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nhân lực kỹ thuật.
![]() |
Ngày đầu tiên đàm phán lần 2 Hiệp định song phương về thương mại đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ (Ảnh: Báo Công Thương) |
Trước đó, ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8, khóa XV, đồng ý tiếp tục đầu tư dự án này.
Để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với những chính sách cụ thể thúc đẩy phát triển điện hạt nhân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, với mục tiêu hoàn thành trước ngày 31/12/2030.
Việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân không chỉ giải quyết nhu cầu năng lượng trong tương lai, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ hạt nhân, góp phần quan trọng vào tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sạch và bền vững của Việt Nam.
Cuộc chiến HRC toàn cầu có tác động thế nào đến Hòa Phát (HPG)?
Vốn hóa vượt 34 tỷ USD, dòng tiền đang định giá lại nhóm cổ phiếu họ 'Vin'?