Khối ngoại bán ròng gần 44.800 tỷ trên HOSE sau 10 tháng

01-11-2021 14:14|Gia Thành

HPG từ vị trí cổ phiếu bị bán ròng nhiều thứ 3 trong tháng 9 đã trở thành cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trong tháng 10 với giá trị hơn 2.181 tỷ đồng. Cổ phiếu của “vua thép” vẫn bị bán ròng mạnh dù kết quả kinh doanh quý III của công ty hết sức khả quan với lợi nhuận sau thuế của HPG trong quý đạt 10,350 tỷ đồng - tăng 170% so với cùng kỳ.

Sau hai tuần giằng co tại ngưỡng 1.400, VN-Index đã có tuần bứt tốc mạnh mẽ khi nhà đầu tư kỳ vọng gói kích thích kinh tế sau dịch sẽ được đưa ra trong kỳ họp Quốc hội lần này (dự kiến từ ngày 20/10 đến ngày 13/11). Nhịp tăng điểm của tuần bắt đầu từ phiên thứ Ba (26/10), chỉ số chính thức vượt 1.400 trong phiên tiếp theo (27/10) và đà tăng vẫn được duy trì trong hai phiên cuối tuần. Chốt tuần, VN-Index tăng hơn 55 điểm (3,96%) lên mức 1.444,27 điểm.

Điểm tích cực của thị trường là khối ngoại quay trở lại mua ròng và góp phần đáng kể trong việc giúp các chỉ số đi lên.

Cụ thể, tính chung cả 3 sàn, khối ngoại mua vào 203 triệu cổ phiếu - trị giá 8.597 tỷ đồng trong khi bán ra 183 triệu cổ phiếu - trị giá 8.300 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 20 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị mua ròng là 297 tỷ đồng.

Theo thống kê trong tháng 10/2021, khối ngoại bán ròng hơn 5.313 tỷ đồng trên sàn HOSE (tính cả khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận) - giảm gần 41% so với với tháng trước đó. Lũy kế 10 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 44.781 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Trong tháng 10, phiên 20/10 – một ngày trước phiên đáo hạn HĐTL VN30 - là phiên khối ngoại bán ròng mạnh nhất với hơn 1.363 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, trong 5 phiên mua ròng hiếm hoi, ngày 27/10 là phiên khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong tháng với gần 1.028 tỷ đồng. Đây cũng là phiên chỉ số VN-Index vượt thành công mức đỉnh cũ 1.420.27 (phiên 2/7) và xác lập kỷ lục mới ở 1.423.02 điểm.

HPG từ vị trí cổ phiếu bị bán ròng nhiều thứ 3 trong tháng 9 đã trở thành cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trong tháng 10 với giá trị hơn 2.181 tỷ đồng. Cổ phiếu của “vua thép” vẫn bị bán ròng mạnh dù kết quả kinh doanh quý III của công ty hết sức khả quan với lợi nhuận sau thuế của HPG trong quý đạt 10,350 tỷ đồng - tăng 170% so với cùng kỳ.

VIC tiếp tục bị bán ròng trong tháng 10 nhưng giá trị chỉ còn gần 451 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM đã không còn nằm trong top 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất.

Bên cạnh VIC, một số cổ phiếu bất động sản khác như NLG, NVL, KBC cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh trong đó giá trị bán ròng của NLG chỉ đứng sau HPG với hơn 1.277 tỷ đồng.

PAN và SSI lần lượt bị khối ngoại bán ròng nhiều thứ 3 và thứ 4 với giá trị hơn 915 tỷ đồng và 727 tỷ đồng.

Ở chiều mua, top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất đã thay đổi hoàn toàn so với tháng 9. TPB là mã được mua ròng mạnh nhất với giá trị vượt trội đạt hơn 1.325 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu thuộc nhóm ngành thủy sản là FMC và VHC đều được mua ròng mạnh trong đó FMC được mua ròng nhiều thứ 2 trong tất cả các cổ phiếu với hơn 509 tỷ đồng còn VHC xếp ở vị trí thứ 7 với hơn 255 tỷ đồng.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới và giá phân bón tiếp tục tăng cao, GAS và DCM lần lượt được khối ngoại mua ròng nhiều thứ 3 và thứ 8 với gần 354 tỷ đồng và 223 tỷ đồng.

HAH cũng được khối ngoại mua ròng nhiều thứ 9 với gần 218 tỷ đồng khi  giá cước vận tải hiện vẫn còn đang ở mức cao.

Trên HNX, sau khi mua ròng hơn 252 tỷ đồng trong tháng 9, sang tháng 10/2021, khối ngoại đã quay lại bán ròng hơn 334 tỷ đồng trên sàn HNX. Đây là tháng bán ròng thứ 5 của khối ngoại trên sàn HNX kể từ đầu năm. Xét về độ lớn, tháng 10 là tháng khối ngoại bán ròng nhiều thứ 2 - chỉ sau tháng 6.

THD từ cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong tháng 9 cùng nhiều tháng trước đó đã bị bán ròng nhiều thứ 3 trong tháng 10 với giá trị gần 68 tỷ đồng.

Tương tự, PVS từ mã được mua ròng nhiều thứ 2 trong tháng 9 đã bị bán ròng nhiều thứ 4 trong tháng 10 với gần 48 tỷ đồng. Trong khi đó, SHS và TNG lần lượt là hai cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị hơn 126 tỷ đồng và 116 tỷ đồng.

Đối với chiều mua ròng, thay thế vị trí của THD và PVS là PVI và CEO với giá trị mua ròng đạt lần lượt hơn 137 tỷ đồng và gần 29 tỷ đồng. CEO vẫn được mua ròng mạnh dù trong quý III, công ty tiếp tục lỗ hơn 34 tỷ đồng qua đó nâng mức lỗ 9 tháng đầu năm lên gần 129 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu thứ cấp khởi sắc: Lợi suất tăng, khối ngoại trở lại

Mua gì cho danh mục chứng khoán cuối năm 2024?

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khoi-ngoai-ban-rong-gan-44800-ty-tren-hose-sau-10-thang-128374.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khối ngoại bán ròng gần 44.800 tỷ trên HOSE sau 10 tháng
    POWERED BY ONECMS & INTECH