Câu chuyện đầu tư

Khối ngoại ngó lơ vườn sầu riêng sắp thu hoạch của bầu Đức, nghịch cảnh sau 15 năm

Quốc Trung 11/09/2024 19:06

Kỳ tích "bán mình trả nợ" của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng đồng thời khiến doanh nghiệp mất đi một động lực lớn mang tên "khối ngoại". Thiếu đi các dòng tiền lớn, hào quang của cổ phiếu HAG trên sàn chứng khoán vẫn chưa được thắp lại sau cả thập kỷ.

Khối ngoại làm ngơ vườn sầu riêng sắp thu hoạch của bầu Đức, nghịch cảnh sau 15 năm
HAGL đang sở hữu nông trại sầu riêng lớn nhất thế giới

Vãn nợ, vườn sầu riêng bắt đầu "lên hương"

Chỉ còn 1-2 tháng nữa, khoảng 300ha sầu riêng tại Lào của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (Mã HAG) sẽ cho thu hoạch vụ đầu. Với ước tính hơn 26.000 gốc, doanh nghiệp nhà Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) có thể đạt sản lượng khoảng 2.000 tấn, doanh thu dự kiến 200 tỷ đồng. Đây sẽ là yếu tố kỳ vọng giúp HAGL phá kỷ lục doanh thu trong quý IV đồng thời gia tăng lợi nhuận cả năm.

Với giá bán trái vụ là 100.000 đồng/kg trong khi chi phí trên mỗi kg chỉ từ 5.000-10.000 đồng, biên lợi nhuận mảng sầu riêng của HAGL sẽ đạt mức ấn tượng.

Theo tiết lộ của ông Đức, sau vụ bói, sản lượng sầu riêng tại Lào có thể tăng lên từ 60-100 trái/gốc, doanh thu đạt mức nghìn tỷ đồng nhờ nông trại sầu riêng lớn nhất thế giới, rộng 1.200ha.

>> Hơn 26.000 gốc sầu riêng tại Lào sắp thu hoạch, bầu Đức lãi 4-12 triệu đồng/gốc

Thời điểm hiện tại, sầu riêng HAGL đã bắt đầu lên hương và những chuyển động trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp cũng dần tích cực. Năm 2021, công ty bắt đầu có lãi trở lại 128 tỷ đồng bất chấp doanh thu giảm còn 2.100 tỷ. Hai năm sau đó, HAGL đạt mức tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu và lợi nhuận.

Khối ngoại làm ngơ vườn sầu riêng sắp thu hoạch của bầu Đức, nghịch cảnh sau 15 năm
Kết quả kinh doanh của HAGL 4 năm gần nhất

Đáng chú ý, HAGL cũng ghi dấu ấn trong hành trình xử lý nợ, cơ cấu lại các mặt hàng chủ lực. Dư nợ vay tài chính đến cuối quý II/2024 còn chưa đến 7.000 tỷ đồng - giảm 20.000 tỷ so với mức kỷ lục năm 2016, chỉ tính riêng dư nợ trái phiếu đã giảm 10.000 tỷ.

>> HAGL của bầu Đức có thể được xóa nợ hơn 3.300 tỷ?

Nói như ông Đoàn Nguyên Đức - "HAGL là doanh nghiệp tích cực trả nợ nhất sàn chứng khoán" - trong gần một thập kỷ "ngoi lên từ đống nợ", hàng loạt định chế tài chính trong nước như HDBank, VPBank, ACB, BVBank, BacABank, Ngân hàng TMCP Quốc Dân đã không còn xuất hiện trong báo cáo tài chính của HAGL với tư cách chủ nợ trong những quý gần đây.

Theo bầu Đức, HAGL chỉ còn khoản nợ đến hạn tại BIDV (liên quan đến lô trái phiếu có dư nợ gốc 4.250 tỷ đồng). Số còn lại khoảng 3.000 tỷ đồng (nợ doanh nghiệp lành mạnh) dự kiến đến năm 2026 sẽ xử lý hết.

Việc quy hoạch tập trung về ba mũi kinh doanh chủ lực gồm chuối, sầu riêng và nuôi heo cũng cho phép HAGL đẩy đi hàng loạt tài sản như bất động sản cùng một số công ty con như HAGL Agrico, Bapi...

Khối ngoại làm ngơ vườn sầu riêng sắp thu hoạch của bầu Đức, nghịch cảnh sau 15 năm

>> 28.300 nhân sự rời HAGL sau 4 năm: 'Phiên đi chợ' có lời của bầu Đức

Cổ phiếu nhạt vị, vẫn bị gán mác "hàng đầu cơ"

Niềm vui khác còn đến từ việc cổ phiếu HAGL quay trở lại mệnh giá 10.000 đồng trong những nhịp tăng hồi cuối năm 2021 và cuối năm 2023. Giai đoạn từ đầu tháng 10/2023 đến giữa tháng 1/2024, HAG tăng gấp đôi lên sát mốc 15.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, trái với sự lên hương của sầu riêng những tháng gần đây, cổ phiếu HAG kể từ đầu tháng 6 đã "nhạt vị" sau mức giảm 30%; khối lượng giao dịch cũng giảm nhiệt còn dưới 7 triệu đơn vị/phiên.

Khối ngoại làm ngơ vườn sầu riêng sắp thu hoạch của bầu Đức, nghịch cảnh sau 15 năm
Đã gần 10 năm cổ phiếu HAG giao dịch dưới mức 20.000 đồng

Kết phiên 11/9 tại mức 10.400 đồng, cổ phiếu HAG bị khối ngoại bán ròng 406.000 đơn vị, giá trị 4,3 tỷ đồng.

Thực tế, HAG thời điểm hiện tại đã không còn là cổ phiếu ưu tiên hàng đầu trong trong danh mục của nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu của nhóm này chỉ còn 2,24%, tương ứng khoảng gần 25 triệu đơn vị.

Trong quá khứ, giai đoạn đầu năm 2010, khối ngoại từng nắm gần 33% vốn HAGL - thời điểm HAG có giá 70.000-80.000 đồng/cp (trước điều chỉnh). Đến cuối năm đó, tỷ lệ sở hữu thậm chí lên đến gần 50%. Đây cũng là lúc bầu Đức đang dẫn đầu trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng.

Những năm sau đó, khối ngoại duy trì mức sở hữu trên 30% vốn HAGL trước khi bắt đầu hạ tỷ trọng kể từ đầu năm 2014 khi doanh nghiệp phố Núi bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh khó khăn.

Đến quý IV/2015, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại lần đầu giảm về dưới 20%. Đây cũng là năm cuối cùng doanh nghiệp nhà bầu Đức còn lãi sau thuế, trước khi bước vào một thập kỷ oằn mình trả nợ. Chỉ một năm sau đó (2016), phần vốn HAGL trong tay nước ngoài giảm về dưới 10% trước khi tiếp tục giảm về mức hiện tại.

Dữ liệu tổng hợp cho thấy, trong một thập kỷ gần nhất, HAGL gần như thiếu vắng các giao dịch triệu đơn vị của nhà đầu tư nước ngoài. 6 năm trở lại đây, việc mua bán của nhóm đầu tư này chủ yếu mang tính chất đầu cơ và không tác động nhiều đến tâm lý của các nhóm cổ đông còn lại.

Có thể thấy, kỳ tích "bán mình trả nợ" của HAGL cũng đồng thời khiến doanh nghiệp mất đi một động lực lớn mang tên "khối ngoại". Thiếu đi các dòng tiền lớn, hào quang của cổ phiếu HAG trên sàn chứng khoán vẫn chưa được thắp lại. Một thập kỷ vừa qua, cổ phiếu này vẫn bị gắn mác như một cổ phiếu penny.

>> HAGL chi gần 10.000 tỷ đồng trả lãi vay sau 9 năm, chờ 'deal' xóa lãi từ một ngân hàng

6 năm trước phá chanh leo trồng sầu riêng, bầu Đức bắt đầu nghĩ về tương lai của HAGL

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất tại Vinhomes (VHM), âm thầm gom 9 phiên liên tiếp một mã VN30

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khoi-ngoai-ngo-lo-vuon-sau-rieng-sap-thu-hoach-cua-bau-duc-nghich-canh-sau-15-nam-248512.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khối ngoại ngó lơ vườn sầu riêng sắp thu hoạch của bầu Đức, nghịch cảnh sau 15 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH