Khối ngoại tiếp tục bán ròng 315 tỷ đồng trên sàn HOSE phiên ngày 26/12, tạo nên chuỗi 20 phiên bán không nghỉ, trong thời gian ngắn đã bán ròng ra thị trường 394 triệu cổ phiếu.
VN-Index phiên ngày 26/12 tiếp tục duy trì sự hưng phấn của ngày giao dịch trước đó, kết phiên tại 1.122,25 điểm, tăng 4,59 điểm (+0,41%). Thanh khoản thấp hơn trung bình 20 phiên, chỉ đạt 14.739 tỷ đồng. Bên cạnh nhịp tăng tốt của thị trường, điểm nhấn trong phiên cũng đến từ đà bán của khối nhà đầu tư ngoại.
Theo đó, trong phiên giao dịch, khối ngoại tiếp tục bán ròng 310 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung bán ròng mạnh vào các cổ phiếu VHM (65,79 tỷ đồng), VND (58,05 tỷ đồng), SSI (56,90 tỷ đồng), VNM (54,78 tỷ đồng)... Ở chiều mua, nhóm này mua ròng CTG (24,43 tỷ đồng), VCB (22,25 tỷ đồng)
Giao dịch mua bán ròng của khối ngoại phiên 26/12. Nguồn: Fialda |
Đáng chú ý, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán liên tục trong 20 phiên, khối lượng bán ra trong thời gian ngắn lên tới 394 triệu cổ phiếu và số tiền bán ròng là 11.250 tỷ đồng.
Lịch sử giao dịch khối ngoại 20 phiên gần nhất trên sàn HoSE. Nguồn: Fialda |
Khi thị trường xuống đáy vào tháng 11/2022, khối ngoại dồn dập mua vào khối lượng lớn, đạt 34.719 tỷ đồng mua ròng trên sàn HoSE vào thời điểm tháng 11/2022 - 3/2022. Sau đó nhóm này bán ròng không ngừng nghỉ từ thời điểm tháng 4 tới hiện tại, lấp lại số tiền đã mua ròng trước đó. Nếu tính lũy trong năm 2023, nhóm này đã "xả hàng" tới hơn 1,1 tỷ USD.
Một trong những yếu tố căn cơ khiến tiền ngoại từ chối mua cổ phiếu Việt đến từ sự chênh lệch về tỷ trọng giữa các nhóm ngành trên sàn.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, 2 nhóm ngành tài chính và bất động sản (theo hệ thống phân ngành GICS) chiếm tổng tỷ trọng đến hơn 57% vốn hóa thị trường chứng khoán. Con số này cao hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc,…
Nếu so với các thị trường hàng đầu trên thế giới, tỷ trọng này của Việt Nam thậm chí còn vượt trội hơn. Trong khi đó, các lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như sản xuất, công nghiệp, công nghệ, y tế, chăm sóc sức khoẻ,… lại không có nhiều cổ phiếu trên sàn chứng khoán và tỷ trọng cũng rất hạn chế.
Điều này cũng phần nào lý giải việc khối ngoại mạnh tay tham gia các thương vụ mua cổ phần chiến lược tại số ít những doanh nghiệp thuộc "sở thích". Điển hình là nhóm ngành dược phẩm khi đa phần các doanh sản xuất dược hàng đầu của Việt Nam như Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Dược Hà Tây (DHT), Pymepharco (PME)… đều đang có cổ đông chiến lược nước ngoài. Một số đã tiến đến nắm quyền chi phối trên 51%, thậm chí thâu tóm toàn bộ.
>> VN-Index tăng điểm 6 phiên liên tiếp, khối ngoại bán ròng phiên thứ 20
Xây dựng sai phép, công ty của Chủ tịch Tập đoàn Danh Khôi (NRC) bị xử phạt
Đại gia Lương Trí Thìn sắp chi 210 tỷ đồng thực hiện quyền mua DXG giá 12.000 đồng