Khơi thông nguồn vốn, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia quy mô tại 'tiểu Paris' của Việt Nam vẫn gặp khó
Được xem là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, dự án trăm tỷ này đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ dù đã được "khơi thông" nguồn vốn.
Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia hiện đại bậc nhất cả nước
Thông tin mới nhất được đăng tải trên báo Lâm Đồng cho biết, dù được phê duyệt từ năm 2015 nhưng đến nay, tiến độ Dự án Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia tại Đà Lạt vẫn chậm so với kỳ vọng.
Dự án này được xây dựng trên diện tích 10,29ha trên địa bàn phường 7, TP. Đà Lạt, bao gồm 3 khu chính: B1, B2 và B3.

Dự án được xây dựng với mục tiêu trở thành một trung tâm huấn luyện hiện đại có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo và nâng cao trình độ cho các vận động viên hàng đầu của Việt Nam.
Theo thiết kế, khu B1 sẽ là khu nhà ở dành cho các huấn luyện viên, chuyên gia, vận động viên cùng các cơ sở hỗ trợ.
Khu B2 được xây dựng trên khu đất 3,77ha sẽ là khối nhà thi đấu đa năng.
Khu B3 với quy mô 3,45ha sẽ có bể bơi với mái che và khu tập golf.
Ghi nhận ở thời điểm hiện tại, dự án này đã đạt được một số tiến độ nhất định. Tuy nhiên thực tế, dự án đang đối mặt với nhiều khó khăn do chưa đạt tiến độ.
Một trong những thách thức lớn đối với dự án này được Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch đưa ra chính là vấn đề giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, diện tích cây rừng trồng trong gói thầu B2 vẫn chưa được giải phóng, gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình cũng như các hạng mục liên quan.
Cùng với đó, khâu thủ tục hành chính về giấy tờ bàn giao đất vẫn còn chậm trễ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho dự án chậm tiến độ.
Nhiều động thái tích cực gỡ vướng cho dự án
Trước những khó khăn này, thời điểm cuối tháng 4/2025, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã vào Lâm Đồng để làm việc với cam kết sẽ có kế hoạch cụ thể, đầu tư nguồn kinh phí kịp thời nhằm hoàn thiện các hạng mục đúng với tiến độ.
Cũng tại buổi làm việc này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đinh Văn Tuấn cũng khẳng định tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng giải quyết hồ sơ khu B2 nhằm sớm giải phóng mặt bằng.

Tỉnh này cam kết sẽ bàn giao diện tích 1,5ha ban đầu cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhằm thực hiện các hạng mục công trình theo đúng kế hoạch của Bộ.
Trước nhiều khó khăn nhưng hiện nay các bên liên quan đều đang nỗ lực và kỳ vọng sẽ đưa dự án này về đích, phấn đấu hoàn thành khu B2 vào dịp quốc khánh 2/9 tới đây.
Việc hoàn thành dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu tập luyện của các vận động viên mà còn giúp nâng cao chất lượng đào tạo các vận động viên, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thể thao Việt Nam.

Trên cổng thông tin điện tử của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch vào năm 2019 đăng tải thông tin cho biết cử tri tại địa phương đã có đơn kiến nghị gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch liên quan đến dự án này.
Theo nội dung đơn kiến nghị, dự án này chậm triển khai đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai xây dựng chung của Khu Văn hóa - Thể thao tỉnh Lâm Đồng. Do đó, cử tri địa phương đề nghị Chính phủ, Bộ ngành quan tâm bố trí vốn để triển khai và đẩy nhanh tiến độ.
Trước đó, Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại thành phố Đà Lạt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2015 (Quyết định số 3377/QĐ-BVHTTDL ngày 05/10/2015) với tổng vốn đầu tư 186 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Theo quyết định phê duyệt, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn thời gian từ năm 2016-2020, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Miền Trung và Tây Nguyên làm chủ đầu tư.
TP. Đà Lạt là một trong những đô thị nổi bật của khu vực Tây Nguyên, được mệnh danh là "Thành phố ngàn hoa" hay "Tiểu Paris". Nơi đây nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng cùng nền văn hóa phong phú.
TP. Đà Lạt có diện tích tự nhiên 396km2 với mức dân số gần 260.000 người.
Nằm trên cao nguyên Lâm Viên ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, Đà Lạt giáp với huyện Lạc Dương ở phía Bắc, huyện Đơn Dương ở phía Đông và Đông Nam, huyện Lâm Hà ở phía Tây và huyện Đức Trọng ở phía Tây Nam. Vị trí này giúp Đà Lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm và thuận lợi cho phát triển du lịch cũng như nông nghiệp.