Không chấp nhận 1,3 tỷ tiền bồi thường, tòa chung cư 8 tầng bị cầu vượt vây kín 360 độ, cư dân phải sống chung với khói bụi và tiếng ồn
Tòa chung cư nằm giữa cầu vượt này đã thu hút sự chú ý lớn và trở thành chủ đề nóng được đông đảo mọi người quan tâm.
Câu chuyện về địa điểm này bắt đầu từ năm 2008, khi một số tòa nhà ở quận Haizhu, Quảng Châu, được quy hoạch phá dỡ để xây dựng một đường cao tốc mới.
Dù phần lớn cư dân đã thỏa thuận với nhà đầu tư và chấp nhận bán nhà hoặc chuyển đi, ba cư dân của tòa chung cư màu vàng nổi tiếng vẫn kiên quyết ở lại cho đến khi mức bồi thường được đáp ứng đúng yêu cầu của họ.
Khi bắt đầu thương lượng với chủ đầu tư, ông Guo Zhiming và anh trai, gia đình duy nhất còn lại trong tòa chung cư, cho biết gia đình ông lúc đó gồm 7 người, bao gồm gia đình anh trai, gia đình ông và mẹ ông. Vì vậy, khi được đề nghị đền bù nhà mới để di dời, ông yêu cầu số tiền bồi thường đủ cho 3 căn hộ, khoảng 1,2 triệu NDT (tương đương 3,9 tỷ đồng thời điểm đó).
Tuy nhiên, chủ đầu tư cho rằng căn hộ của ông Guo chỉ rộng 30m2 gồm 1 phòng khách và 2 phòng ngủ, do đó sẽ được tính bồi thường theo diện tích m2, và yêu cầu nhận 3 suất nhà là không hợp lý. Chủ đầu tư chỉ đề nghị mức bồi thường 400.000 NDT (khoảng 1,3 tỷ đồng). Vì hai bên không thể đạt được thỏa thuận, cầu vượt vẫn được xây dựng trong khi gia đình ông vẫn ở lại. Cuối cùng, chủ đầu tư đã chi thêm 100 triệu NDT (khoảng 350 tỷ đồng vào thời điểm xây dựng) để xây dựng cầu vượt dạng hình tròn, vòng qua tòa nhà.
Vào năm 2015, "Số 28 trên Yongxing Jie" trở thành chủ đề được chú ý trên các trang báo quốc tế, khi tòa nhà đặc biệt này xuất hiện trong các bức ảnh về đường hầm Zhoutouzui vừa mới được khai trương.
Sự chú ý của công chúng không chỉ tập trung vào "ngôi nhà đinh" (nail house) bị cô lập giữa cây cầu vượt hiện đại, mà còn vào cuộc sống của những cư dân kiên quyết không chịu rời đi. Vào thời điểm đó, căn hộ của Guo vẫn được cung cấp đầy đủ nước và điện. Hai anh em vẫn có thể dễ dàng đi bộ đến trạm xe buýt và siêu thị. Tuy nhiên, họ không nhận được bất kỳ khoản đền bù nào sau khi cây cầu vượt hoàn thành.
"Hầu hết các cư dân đã nhận khoảng 56.000 USD vào năm 2011, đủ để mua một căn hộ cũ. Vì vậy, hầu hết đều nhận tiền và chuyển đi", Guo chia sẻ với tờ Southern Metropolis Daily.
Tuy nhiên, vì tòa nhà quá gần đường cao tốc, mỗi ngày đều có xe cộ qua lại, tạo ra tiếng ồn lớn, vì vậy chính quyền đã thực hiện biện pháp cách âm để giảm thiểu sự ảnh hưởng của tiếng ồn từ cao tốc.
Hiện nay, tòa nhà này không khác biệt nhiều so với trước đây, nhưng nhờ vào vị trí đặc biệt, nó đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trên mạng. Chỉ có điều gia đình ông Guo phải sống chung với tiếng ô tô và khói bụi cả ngày.
"Số 28 trên Yongxing Jie" không phải là "nhà đinh" duy nhất. Trước đó, một ngôi nhà khác ở Trung Quốc cũng bị cô lập giữa con đường tấp nập vì chủ sở hữu từ chối di dời.
Thuật ngữ "dingzihu" hay "nail house" (nhà đinh) xuất phát từ Trung Quốc, dùng để chỉ những ngôi nhà nổi bật giữa các khu vực đang được quy hoạch, nơi chủ sở hữu kiên quyết từ chối việc di dời.
Nguồn: Sina, Sohu, 162.com
Tòa nhà đạt giải thưởng kiến trúc danh giá sắp bị phá hủy sau chưa đầy 30 năm xây dựng
Tòa nhà chọc trời 73 tầng siêu mỏng đạt độ cao gần 400m, xây ngay cạnh đường giao thông huyết mạch