Không chịu thua FPT, Viettel, cổ phiếu nhà MobiFone có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp
Kể từ cuối tháng 5 đến nay, cổ phiếu nhà MobiFone tăng mạnh hơn 2,6 lần từ 25.000 đồng/cp lên 66.300 đồng/cp (giá đóng cửa phiên giao dịch 20/6).
Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông nhà FPT và Viettel đều tăng mạnh hàng chục phần trăm và liên tục vượt đỉnh.
Không nằm ngoài sóng tăng giá, cổ phiếu CTCP Dịch vụ Kỹ thuật MobiFone (MobiFone Service, UPCoM: MFS) bất ngờ bật tăng mạnh mẽ sau gần một năm "bất động" tại vùng 24.000–26.000 đồng/cp.
Kể từ cuối tháng 5 đến nay, MFS tăng 2,6 lần lên mức 66.300 đồng/cp (giá đóng cửa phiên giao dịch 20/6). Đáng chú ý, trong 4 phiên giao dịch gần đây cổ phiếu này tăng trần liên tục với biên độ gần 15% mỗi phiên.
Cùng chiều tăng giá, thanh khoản khớp lệnh MFS giai đoạn này đạt trung bình gần 124.000 đơn vị mỗi phiên - gấp 10-14 lần giai đoạn trước đó.
Diễn biến giá cổ phiếu MFS |
Được biết, MobiFone Service là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone với tỷ lệ sở hữu 31% vốn. Công ty được thành lập vào năm 2008, chuyên cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, hiện có vốn điều lệ 70,7 tỷ đồng. Ngày 16/4/2019, hơn 7,06 triệu cổ phiếu MFS được giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu chào sàn 26.300 đồng/cp.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MobiFone Service có chiều hướng đi xuống trong ba năm vừa qua (năm 2021-2023). Cụ thể, trong năm 2023, công ty mang về gần 397 tỷ đồng doanh thu thuần và 20,3 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 4% và 5,6% so với thực hiện năm trước đó.
Dù triển vọng kinh doanh không mấy khả quan nhưng cổ phiếu tăng cao nhờ hiệu ứng nhóm công nghệ thời gian qua. Nhóm công nghệ đình đám như FPT hay Viettel đều đã tăng giá tính bằng lần trong vòng 1 năm qua. Chứng khoán SSI đánh giá, ngành công nghệ được đánh giá cao nhờ triển vọng về chi tiêu cho trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu và kỳ vọng lĩnh vực này với thay đổi hành vi con người trong tương lai.
>> Cổ phiếu công nghệ ‘dậy sóng’ thi nhau vượt đỉnh, động lực tăng trưởng đến từ đâu?