Khu rừng nằm lênh đênh giữa mặt nước được ví như ‘lá phổi xanh’ của hệ thống sinh quyển Tây Nam Bộ, bên trong chứa cây cầu tre xuyên rừng dài nhất Việt Nam
Đến đây, du khách không chỉ được đắm mình trong màu xanh bạt ngàn của rừng cây mà còn được tiếp xúc ở cự ly gần với hàng loạt động vật hoang dã quý hiếm.
An Giang nổi tiếng cả nước với nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khách du lịch. Trong số đó, rừng tràm Trà Sư, khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây sông nước là điểm đến mà du khách không nên bỏ qua trong chuyến hành trình của mình.
Đặc biệt hơn khi tại đây, du khách có thể thỏa sức đắm mình vào thiên nhiên xanh mát và "check-in" với chiếc cầu tre kỷ lục dài nhất Việt Nam.
Điểm đến hút khách du lịch
Nằm cách thành phố Châu Đốc, An Giang khoảng 30km về phía tây nam và thành phố Long Xuyên khoảng 60km chính là rừng tràm Trà Sư. Khu rừng có diện tích 845ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan năm 2005.
Đến đây, bạn không chỉ bị thu hút bởi không gian thiên nhiên với rừng tràm rợp bóng hai bên, mà còn được tiếp xúc ở cự ly gần với hàng loạt loài chim nước, động vật hoang dã quý hiếm. Rừng tràm hội tụ hơn 70 loài chim, trong đó có những loài quý hiếm đã được ghi tên mình vào sách đỏ như giang sen hay điêng điểng phương đông, cộng với 11 loài thú, 25 loài bò sát và 10 loài cá. Đặc biệt, nơi đây còn được phát triển để trở thành “ngôi nhà chung” – khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng đất Tây Nam Bộ này.
Rừng tràm Trà Sư có rất nhiều hạng mục cho du khách tham quan. Một trong những điểm không thể bỏ lỡ chính là việc du ngoạn trên sông bằng xuồng chèo. Người địa phương sẽ dùng thuyền để đưa du khách vào sâu trong rừng tràm. Ngồi trên thuyền, bạn sẽ bắt gặp những chú chim đậu ngay thân cây, nhiều loại sen đủ sắc màu. Những chiếc thuyền sẽ đưa du khách nhẹ nhàng lướt qua cảnh thiên nhiên yên ả, “tạm bỏ quên” nhịp sống phố thị sau lưng, hòa vào tiếng chim vô danh vọng ra từ vòm tràm hai bên, tiếng mái chèo nhẹ khua mặt nước, chắc chắn rằng bạn sẽ cảm thấy thư thái như lạc trôi vào vùng đất thần tiên.
Mùa nước nổi, từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, được coi là thời điểm đẹp nhất để trải nghiệm vẻ đẹp rừng tràm. Nước đổ về khiến rừng cây xanh tốt, kết hợp cùng những lớp bèo phủ xanh mặt nước, tạo nên khung cảnh đẹp. Mùa nước nổi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài cá tôm và là điểm đến hấp dẫn cho nhiều loài chim.
Vào sâu trong rừng tràm, du khách cũng có thể trèo lên đài quan sát nằm giữa rừng, dùng ống nhòm để quan sát, và nếu may mắn sẽ thấy hàng vạn con cò trắng bay về tổ như tấm vải khổng lồ phủ trên nền rừng xanh. Ngoài ra từ đài quan sát này, du khách sẽ nhìn thấy một số ngọn núi trong dải Thất Sơn như núi Ông Két (Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), hay tượng Phật Di Lặc cao 33,6m nằm trên núi Cấm hay cũng có thể thấy cả dãy núi Sam.
Được biết, Rừng tràm Trà Sư cũng chính là bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng “Đất rừng Phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Check-in cùng câu cầu tre dài nhất Việt Nam
Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng tràm Trà Sư bên chiếc xuồng chèo, du khách có thể trải nghiệm check-in trên cây cầu tre đặc biệt. Cây cầu đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là "Cầu tre dài nhất Việt Nam trong rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam".
Cầu tre vạn bước là cây cầu dài 10km được khánh thành vào đầu năm 2020. Với kiến trúc độc đáo là những thanh tre ghép lại với nhau. Từ khi đưa vào khai thác, chiếc cầu tre đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm, thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách nhất là khách quốc tế vì tính độc đáo và nét duyên dáng của công trình. Không chỉ vậy, cầu tre được cách điệu tựa "rồng trúc bạch" mang lại một cảm giác thích thú cho mọi người khi được khám phá trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh trù phú ở đây.
Nếu những công trình hiện đại nổi tiếng ở Việt Nam đều thể hiện tính sáng tạo trong phong cách kiến trúc tân thời và hàm chứa ý nghĩa cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước, thì công trình đầy nghệ thuật cầu tre Trà Sư tại An Giang thể hiện nét chân chất, mộc mạc, đượm tình yêu văn hóa của lao động địa phương, chứa chan hơi thở nồng ấm từ hồn dân tộc Việt.
Theo người địa phương, du khách nên lựa chọn tham quan rừng tràm Trà Sư vào các thời điểm buổi sáng (khoảng 07:00 – 09:00) hoặc buổi chiều lúc hoàng hôn (17:00 – 18:00) thì sẽ có thể thấy các đàn chim bay về tổ rợp trời, kết hợp với ánh sáng trong của buổi sớm hoặc ngược ánh hoàng hôn thì đây sẽ là khung cảnh vô cùng tuyệt hảo, hiếm nơi nào có được.
>> Đường cao tốc 3 tầng dài 30km, nằm ở độ cao hơn 1.300m, có 4 cầu cạn và 1 đường hầm