Đồng USD giảm mạnh nhất kể từ khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ: Cơn ‘chấn động’ này còn kéo dài bao lâu?
Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2025, đồng USD đã giảm hơn 10% giá trị, đánh dấu mức sụt mạnh nhất kể từ khi Mỹ chính thức chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi sau khi chấm dứt hệ thống Bretton Woods vào năm 1973.
Từ khi Mỹ chấm dứt hệ thống Bretton Woods và chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi vào năm 1973, chưa từng ghi nhận một đợt giảm giá nào mạnh như lần này của đồng USD. Theo báo cáo chuyên đề của Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường Toàn cầu, Ngân hàng UOB, chỉ số Dollar Index (DXY) đã giảm từ 108,5 xuống còn 96,9 điểm trong vòng sáu tháng, tương đương mức giảm 10,8%.
![]() |
Diễn biến chỉ số USD và Broad Dollar Index của Fed từ năm 1995 đến nay. Nguồn: Bloomberg, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường Toàn cầu – Ngân hàng UOB. |
Cùng lúc, chỉ số Broad Dollar Index của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng giảm 6%, từ 129,5 xuống 121,1 điểm. UOB cho biết cả hai chỉ số này đang tiệm cận hoặc đã vượt qua các ngưỡng cực đoan từng ghi nhận trong ba thập kỷ qua.
Chính sách thuế và bội chi
Nguyên nhân trực tiếp khiến đồng USD giảm giá đến từ các thay đổi chính sách thương mại của Mỹ. UOB cho biết, từ sau ‘Liberation Day’, đồng USD bắt đầu chịu áp lực bán mạnh mặc dù lợi suất thực tế vẫn ổn định và thậm chí có lợi cho USD. Điều này phản ánh rằng các yếu tố phi lợi suất (tức kỳ vọng địa chính trị và rủi ro hệ thống) đang điều phối tỷ giá. Theo UOB, thị trường ngoại hối hiện đang phản ứng chủ yếu với các rủi ro phi tài chính như bất ổn thương mại và chuỗi cung ứng, hơn là các yếu tố cơ bản như lợi suất thực.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách liên bang tiếp tục trở thành gánh nặng đè lên kỳ vọng về đồng bạc xanh. Gói chi tiêu “One Big Beautiful Bill” mà Quốc hội Mỹ thông qua được ước tính sẽ nâng nợ công thêm 3.300 tỷ USD trong vòng 10 năm. Riêng năm 2025, bội chi ngân sách dự kiến đạt 7,1% GDP, cao hơn hẳn mức trung bình 3–3,5% của giai đoạn 2010–2019. Dư địa chính sách tài khóa dần bị bào mòn, khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng duy trì trạng thái an toàn tài chính của chính phủ Mỹ.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, một chỉ báo chủ chốt về kỳ vọng lạm phát và tăng trưởng, đã giảm từ 4,6% xuống 4,2% tính đến cuối tháng 6. Diễn biến này phản ánh kỳ vọng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong nửa cuối năm. UOB dự báo lãi suất USD 3M compounded SOFR sẽ giảm từ 4,34% xuống 3,89% vào quý IV/2025 và tiếp tục về 3,50% vào quý II/2026. Chi phí cơ hội nắm giữ USD giảm đi, tạo điều kiện cho các dòng vốn quốc tế tái định vị danh mục theo hướng đa dạng hóa ngoại tệ.
Thị trường vốn quốc tế thay đổi quỹ đạo, mối tương quan truyền thống bị phá vỡ
Sự rút lui khỏi tài sản định danh bằng USD đang được phản ánh rõ nét trên dòng vốn đầu tư toàn cầu. Trong tháng 6/2025, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút gần 15 tỷ USD khỏi thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Trái lại, dòng tiền đổ mạnh vào các quỹ ETF cổ phiếu châu Âu và Nhật Bản – mức cao nhất kể từ năm 2021. Sự thay đổi hướng chảy vốn cho thấy vai trò an toàn truyền thống của đồng USD đang bị thách thức, trong khi tâm lý phòng thủ đang dần nhường chỗ cho chiến lược phân bổ đa trung tâm.
Đặc biệt, từ quý II/2025, chỉ số DXY bắt đầu vận động ngược chiều với chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu 10 năm của Mỹ và nhóm G3 (gồm EU, Nhật Bản và Anh). “Điều này cho thấy các yếu tố phi lợi suất – như kỳ vọng địa chính trị và rủi ro hệ thống – đang điều phối tỷ giá”, theo UOB. Đây là bước ngoặt đáng chú ý, khi thị trường không còn sử dụng lợi suất như cơ sở duy nhất để định giá tiền tệ.
Trên thị trường song phương, USD được dự báo sẽ tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt. UOB đưa ra dự báo EUR/USD sẽ đạt 1,21 vào quý II/2026, GBP/USD đạt 1,40 và AUD/USD đạt 0,67, còn USD/JPY sẽ lùi về mức 138. Với khu vực châu Á, đồng bạc xanh có thể hồi phục nhẹ trong quý III do yếu tố thương mại, nhưng xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế trong các quý sau.
Riêng tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng lên 26.400 trong quý III trước khi giảm về 25.800 vào quý II/2026, phản ánh nỗ lực điều hành chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Với triển vọng chính sách tiền tệ nới lỏng, UOB dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 25 điểm cơ bản, vào các cuộc họp tháng 9, tháng 10 và tháng 12 năm 2025. Cùng với đó, đường cong lợi suất tiếp tục dốc xuống và đồng USD đang dần mất đi lợi thế lãi suất so với các đồng tiền chính.
Trong bối cảnh này, áp lực giảm giá đối với USD nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2026, đặc biệt khi các yếu tố phi lợi suất như rủi ro địa chính trị và xu hướng tái định vị dự trữ toàn cầu tiếp tục gia tăng ảnh hưởng.