Láng giềng Việt Nam chế tạo hai siêu tua-bin thủy điện lớn nhất thế giới nặng 80 tấn, là 'quái vật năng lượng' thay thế 1,3 triệu tấn than/năm
Tua-bin nặng 80 tấn, được làm bằng thép martensitic, một loại thép không gỉ có độ bền cao, chịu được áp lực lớn và chống ăn mòn tốt.
Trung Quốc sắp lắp đặt tua-bin thủy điện có công suất kỷ lục tại Nhà máy thủy điện Datang Zala ở khu tự trị Tây Tạng, theo tờ Science and Technology Daily đưa tin. Nhà máy thủy điện này được xây dựng trên sông Yuqu, một nhánh của sông Nu, chảy từ Tây Tạng qua tỉnh Vân Nam đến Myanmar và đổ ra biển Andaman.
.png)
Tua-bin xung lực do Trung Quốc tự phát triển, có công suất tối đa 500 megawatt, được xác nhận là tua-bin đơn lẻ lớn nhất thế giới hiện nay. Dự kiến, hai tua-bin loại này sẽ được lắp đặt tại nhà máy thủy điện, giúp tạo ra sản lượng điện tương đương với việc đốt 1,3 triệu tấn than tiêu chuẩn mỗi năm, theo Tập đoàn Điện lực Datang - đơn vị chủ đầu tư dự án.
Tua-bin nặng 80 tấn, do Harbin Electric Machinery Company ở Đông Bắc Trung Quốc chế tạo. Nó được làm bằng thép martensitic, một loại thép không gỉ có độ bền cao, chịu được áp lực lớn và chống ăn mòn tốt. Thiết bị có 21 gàu nước và đường kính ngoài 6,23m, được xem là “trái tim của tổ máy thủy điện”. “Bánh xe gàu nước của tua-bin là bộ phận chính giúp chuyển đổi động năng từ dòng nước thành cơ năng để phát điện”, bài viết giải thích.

Science and Technology Daily cũng cho biết, chênh lệch độ cao giữa mặt nước trong hồ chứa và tua-bin là 671m, lý tưởng để nâng cao hiệu suất vận hành. “Tua-bin xung lực dẫn dòng nước qua ống áp lực, đánh trực tiếp vào bánh xe để tạo chuyển động quay. Trong quá trình vận hành, tua-bin phải liên tục chịu áp lực dao động tần số cao, đóng vai trò sống còn trong việc giữ ổn định và an toàn cho hệ thống”.
Ông Tao Xingming, Giám đốc công nghệ của công ty Harbin, cho biết tua-bin mới giúp nâng hiệu suất tổ máy từ 91% lên 92,6%. “Với công suất 500 megawatt và vận hành 24 giờ/ngày, mức tăng hiệu suất này có thể tạo thêm khoảng 190.000 kilowatt-giờ điện mỗi ngày”, ông nói.
Theo Tập đoàn Datang, nhà máy sẽ có tổng công suất lắp đặt 1 triệu kilowatt, với sản lượng điện hàng năm gần 4 tỷ kilowatt-giờ. Ngoài việc thay thế 1,3 triệu tấn than, nhà máy này sẽ giúp giảm phát thải khoảng 3,4 triệu tấn khí CO2 mỗi năm.
Theo Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC), dự án vẫn đang được thi công đúng tiến độ và dự kiến sẽ đưa vào vận hành năm 2028, như thông báo trước đó từ hãng thông tấn Tân Hoa Xã khi phần chính của công trình khởi công vào năm 2023.
Trung Quốc đã tăng tốc xây dựng thủy điện kể từ năm 2020, nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Theo Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA), Trung Quốc hiện vẫn dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực này, chiếm phần lớn công suất thủy điện mới bổ sung tại châu Á trong năm vừa qua.
Trong báo cáo tháng trước, IHA cho biết Trung Quốc đang triển khai hoặc đã phê duyệt hơn 200 gigawatt thủy điện tích năng, vượt xa mục tiêu 120 GW vào năm 2030, và có thể đạt tới 130 GW trước cuối thập kỷ này.
Thủy điện tích năng là hình thức lưu trữ năng lượng bằng cách bơm nước lên hồ chứa ở độ cao khi thừa điện, sau đó xả xuống để phát điện khi nhu cầu tăng cao. Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp ổn định lưới điện trong quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Tham khảo SCMP
Loại bỏ nhà máy thủy điện khỏi siêu dự án 8.800 tỷ USD, nhà thầu Pháp bất ngờ bị hủy hợp đồng
Tái khởi động dự án thủy điện trị giá 18.000 tỷ đồng sau hơn 1 thập kỷ ‘đắp chiếu’