Thế giới

Tuyến đường sắt trọng điểm liên tục bị trộm thiết bị, nhà thầu Trung Quốc lỗ 7,7 tỷ đồng mỗi ngày

Đăng Đức 03/07/2025 - 13:47

Dự án Đường sắt Bờ Đông Malaysia (ECRL) có nguy cơ cao bị chậm tiến độ do nạn trộm cáp và thiết bị hoành hành.

Các vụ trộm thiết bị tín hiệu và cáp thông tin được báo cáo có thể khiến dự án Đường sắt Bờ Đông Malaysia (ECRL) – vốn rất được kỳ vọng – bị đình trệ ở giai đoạn then chốt trước khi hoàn thành theo kế hoạch, theo chủ đầu tư dự án cho biết.

Theo truyền thông địa phương, ông Darwis Abdul Razak, Giám đốc điều hành của công ty trách nhiệm hữu hạn Malaysia Rail Link Sdn Bhd (MRL) cho biết nhiều vụ trộm đã được phát hiện tại các khu vực dọc tuyến đường sắt ECRL đi qua các bang Kelantan, Terengganu, Pahang và Selangor (Malaysia).

Tuyến đường sắt trọng điểm liên tục bị trộm thiết bị, nhà thầu Trung Quốc lỗ 7,7 tỷ đồng mỗi ngày - ảnh 1
Công trình xây dựng nhà ga ECRL tại thành phố Kota Bharu, bang Kelantan, Malaysia - Ảnh: CNA/Hari Anggara

“Những sự việc này không chỉ làm tăng chi phí sửa chữa, thay thế mà còn có nguy cơ làm chậm tiến độ kiểm tra và vận hành thử tàu, vốn được dự kiến bắt đầu vào tháng 6/2026”, ông Darwis nói trong cuộc phỏng vấn với đoàn đại biểu báo chí Malaysia tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

>> Chọn nhà thầu Trung Quốc, tuyến đường sắt cao tốc nối liền 2 nước Đông Nam Á vừa đạt cột mốc quan trọng, dự kiến phục vụ 10.000 khách/giờ

Dự án tàu điện đình đám ECRL được đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 12/2026. Nhưng theo báo The Star, hơn 1.200m cáp tín hiệu đã bị đánh cắp dọc tuyến, cùng với 81 máy biến áp ngoài trời cũng bị tháo dỡ.

Kể từ khi bắt đầu lắp đặt hệ thống thông tin, liên lạc và tín hiệu tại ga Kota Sultan Ahmad Shah ở bang Pahang hồi tháng 3/2025, các đối tượng trộm cắp đã ra tay tại ít nhất 7 địa điểm, bao gồm Paya Besar, Cherating và Kuantan Port City (bang Pahang), Chukai, Dungun và Kemasik (bang Terengganu), cũng như Pasir Puteh (bang Kelantan), theo truyền thông địa phương cho biết.

Ông Darwis, được hãng tin Bernama dẫn lời, cho biết năm 2025 là giai đoạn quan trọng nhất của dự án Đường sắt Bờ Đông Malaysia (ECRL), khi việc lắp đặt hệ thống thông tin, liên lạc và tín hiệu đang được tiến hành tại ga Kota Sultan Ahmad Shah và sắp mở rộng đồng loạt tại các ga khác.

Tại các khu vực gần ga này, nhà thầu chính của dự án ECRL – Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) phát hiện một số cáp quang đã bị cắt bỏ, trong khi phần còn lại bị kẻ xấu bỏ lại hiện trường.

Tuyến đường sắt trọng điểm liên tục bị trộm thiết bị, nhà thầu Trung Quốc lỗ 7,7 tỷ đồng mỗi ngày - ảnh 2
Bản đồ dự án Đường sắt Bờ Đông Malaysia (ECRL) - Ảnh: CNA

Mặc dù thiệt hại cụ thể chưa được công bố, tờ The Star cho biết cáp quang không có giá trị trên thị trường phế liệu do không chứa kim loại, còn 1.200m cáp tín hiệu bị đánh cắp có chứa một phần kim loại.

Còn theo công ty MRL, các đối tượng trộm cắp đã sử dụng công cụ không chuyên nghiệp để cắt cáp một cách vội vàng, đồng thời mang theo phương tiện để vận chuyển tài sản trộm cắp.

Video tổng quan về siêu dự án Đường sắt Bờ Đông Malaysia (ECRL) có liên quan đến nhà thầu chính là Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) - Nguồn: CNA:

Trước những lo ngại từ MRL, Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia – Anthony Loke cho biết ông đã yêu cầu cảnh sát có biện pháp mạnh mẽ hơn đối với tình trạng trộm cắp cáp dọc tuyến đường sắt đình đám kể trên ở quốc gia Đông Nam Á này.

“MRL sẽ triển khai các biện pháp giảm thiểu tình trạng trộm cắp để tăng cường an ninh tại công trường. Tuy nhiên, tôi cũng đã liên hệ với Bộ trưởng Bộ Nội vụ để đề nghị cảnh sát có biện pháp mạnh tay hơn”, ông Loke nói với trang Yahoo News.

Ông cũng cho biết tình trạng trộm cắp cáp không chỉ xảy ra với dự án ECRL mà còn là vấn đề lâu nay của Công ty Đường sắt Quốc gia Malaysia (KTM).

>> Từ chối nhà thầu Trung Quốc, quyết tâm bắt tay Nhật Bản: Dự án đường sắt cao tốc hơn 500km chậm tiến độ 7 năm

Ông Loke nhấn mạnh hành vi trộm cắp này không nên bị xem là tội phạm thông thường vì nó đe dọa đến an ninh quốc gia.

“Tôi đã công khai kêu gọi cảnh sát coi đây không đơn thuần là một vụ trộm. Hành động này ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, gây rối trật tự xã hội và tác động đến an ninh quốc gia.

Do đó, cần áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn dựa trên luật pháp chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, tôi sẽ để cảnh sát quyết định biện pháp phù hợp, nhưng chắc chắn không thể xem đây chỉ là vụ trộm vặt”, ông nói thêm.

Tuyến đường sắt trọng điểm liên tục bị trộm thiết bị, nhà thầu Trung Quốc lỗ 7,7 tỷ đồng mỗi ngày - ảnh 3
Hình ảnh chụp từ trên cao Ga Jalan Kastam của tuyến đường sắt KTM tại cảng Klang, cũng là địa điểm dự kiến xây dựng ga ECRL trong tương lai - Ảnh: CNA/Hari Anggara

ECRL dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027, ông Darwis cho biết nếu CCCC không hoàn thành dự án đúng hạn, tập đoàn Trung Quốc này có thể phải chịu khoản lỗ lên tới 1,25 triệu ringgit Malaysia (hơn 7,7 tỷ đồng) mỗi ngày.

MRL – công ty thuộc sở hữu 100% của Bộ Tài chính Malaysia là chủ đầu tư của siêu dự án hạ tầng trị giá 50 tỷ ringgit Malaysia (gần 308.318 tỷ đồng), còn CCCC là nhà thầu chính.

Với tư cách chủ đầu tư, MRL đã báo cáo các vụ việc trên với cảnh sát và đang tăng cường các biện pháp an ninh, bao gồm thuê một công ty an ninh chuyên trách để giám sát và bảo vệ tài sản của dự án ECRL, ông Darwis cho biết với báo giới.

Ông cũng cho biết sẽ làm việc với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Saifuddin Nasution Ismail và lãnh đạo cảnh sát các bang liên quan để tìm kiếm sự hợp tác và giải pháp cho vấn đề này.

Theo Bernama, tính đến tháng 5/2025, siêu dự án đường sắt ECRL đã hoàn thành 83,38% khối lượng công việc và vẫn đang bám sát mục tiêu hoàn thành vào tháng 12/2026.

Ở những diễn biến khác, ông Darwis cho biết hai đoàn tàu điện nhiều toa đầu tiên cùng hai đầu máy điện phục vụ vận chuyển hàng hóa dự kiến sẽ được đưa về Malaysia vào cuối năm nay, các đoàn tàu tiếp theo sẽ về lần lượt từ tháng 4/2026.

“Công tác kiểm tra, chạy thử hệ thống và đoàn tàu sẽ bắt đầu vào tháng 6/2026. Đây là giai đoạn then chốt để xác định mức độ sẵn sàng cho việc vận hành thương mại”, Giám đốc điều hành MRL nói.

Dự án ECRL nối khu vực Klang Valley của bang Selangor với các bang ven biển phía Đông của Malaysia nhằm rút ngắn thời gian di chuyển từ Gombak (Selangor) đến Kota Bharu (Kelantan) từ ít nhất từ 7 tiếng lái xe xuống còn khoảng 4 tiếng đi tàu.

Với chiều dài 665km, đây là dự án hạ tầng lớn nhất của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc tại Malaysia.

Tàu ECRL có thể đạt tốc độ tối đa 160km/h, vượt qua dãy núi Titiwangsa chia cắt bán đảo Malaysia, rồi tiếp tục men theo bờ biển phía Đông, vận chuyển cả hành khách và hàng hóa.

Tuyến đường sắt trọng điểm liên tục bị trộm thiết bị, nhà thầu Trung Quốc lỗ 7,7 tỷ đồng mỗi ngày - ảnh 4
Hình ảnh chụp từ trên cao cảng Klang, bang Selangor, Malaysia - Ảnh: CNA/Hari Anggara

>> Chọn nhà thầu Trung Quốc thay Nhật Bản, siêu dự án tàu cao tốc hơn 7 tỷ USD chậm tiến độ 7 năm vừa có bước tiến mới

ECRL được công bố vào năm 2016 như một dự án kết nối hạ tầng trọng điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế Malaysia lọt vào nhóm 20 quốc gia phát triển hàng đầu thế giới vào năm 2050.

Tuyến chính từ Kota Bharu (Kelantan) đến Ga trung tâm tích hợp Gombak (Selangor) dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2026 và đi vào hoạt động từ tháng 1/2027.

Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa kinh tế cho người dân địa phương khi các nhà đầu tư thiết lập nhà máy, xí nghiệp dọc theo tuyến đường.

Phần mở rộng tuyến từ Gombak đến cảng Klang được lên kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2027.

MRL – đơn vị sẽ sở hữu toàn bộ tài sản ECRL đã thành lập liên doanh với nhà thầu chính Trung Quốc CCCC để vận hành tuyến đường sắt này.

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ chia sẻ chi phí vận hành và trao đổi chuyên môn kỹ thuật. Nếu ECRL vận hành thua lỗ, MRL và CCCC - mỗi bên sẽ chịu 50% rủi ro; còn nếu có lãi, MRL nhận 80% lợi nhuận, còn CCCC nhận 20%.

Theo Agencies/CNA

>> Liên quan đến nhà thầu Trung Quốc, siêu dự án 100 tỷ USD hóa ‘thành phố ma’ lớn nhất Đông Nam Á

Chọn nhà thầu Trung Quốc, tuyến đường sắt cao tốc nối liền 2 nước Đông Nam Á vừa đạt cột mốc quan trọng, dự kiến phục vụ 10.000 khách/giờ

Siêu dự án tàu điện gánh nợ gần 30.000 tỷ đồng, khó thực hiện kế hoạch bán vé giá rẻ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/tuyen-duong-sat-trong-diem-lien-tuc-bi-trom-thiet-bi-nha-thau-trung-quoc-lo-77-ty-dong-moi-ngay-145372.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Tuyến đường sắt trọng điểm liên tục bị trộm thiết bị, nhà thầu Trung Quốc lỗ 7,7 tỷ đồng mỗi ngày
    POWERED BY ONECMS & INTECH