Kiểm toán chuyên sâu để hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai

22-12-2022 02:12|Huy Thắng

Ngày 21/12, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra với Kiểm toán nhà nước"

Kiểm toán chuyên sâu để hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai - Ảnh 1.

Phó Tổng KTNN Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Quy định chưa theo kịp thực tiễn

Phát biểu tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai được ban hành tương đối nhiều song có tình trạng chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn khiến cho hiệu lực thi hành không cao và tạo kẽ hở cho vi phạm pháp luật về đất đai. 

Quản lý, sử dụng đất đai không chỉ tuân thủ Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn liên quan mà còn chịu sự điều tiết của rất nhiều luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, các Luật thuế liên quan đến đất đai, Luật Giá, Luật Quy hoạch, Luật Kiểm toán...do đó một trong những lỗ hổng lớn nhất trong quản lý, sử dụng đất đai chính là tính thiếu chặt chẽ và hợp lý trong các văn bản đi đôi với thiếu tính đồng bộ của các văn bản có liên quan.

Vị chuyên gia này dẫn chứng, đấu giá quyền sử dụng đất được xem là hình thức giao đất phù hợp với cơ chế thị trường,  bảo đảm công bằng và lợi ích của các bên liên quan.

Tuy nhiên, đấu giá đất còn tồn hàng loạt lỗ hổng, điển hình là hình thức đấu giá đất trực tiếp bằng lời nói vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch. Hình thức đấu giá này hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp bất hợp pháp vào kết quả trúng đấu giá nhưng lại rất ít được áp dụng trong thực tế trong khi hình thức bỏ phiếu, kể cả gián tiếp lẫn trực tiếp tiềm ẩn nguy cơ làm sai lệch, thậm chí thao túng kết quả trúng đấu giá đất lại rất phổ biến sai phạm ở không ít địa phương.

"Muốn hạn chế đến mức thấp nhất những lỗ hổng thì không còn cách nào khác là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật đi đôi với nghiêm túc thực thi pháp luật. Song song với đó, cần tăng cường thanh kiểm tra, kiểm toán đối với quản lý, sử dụng đất đai nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời sai phạm", chuyên gia Vũ Đình Ánh khuyến nghị.

Khẩn trương lấp lỗ hổng gây thất thoát

Bà Lê Thị Thanh Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) đề nghị: Xem xét sửa quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo hướng quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất doanh nghiệp đang sử dụng sang các mục đích khác phải thông qua hình thức đấu giá nhằm ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước, ngân sách và góp phần phát triển bền vững sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước thu hồi đất để tổ chức đấu giá khi chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp.

Cần rà soát, thống nhất các quy định của pháp luật, giữa Luật Đất đai với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoáng sản..., đặc biệt về chính sách ưu đãi đầu tư giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư, trong đó khắc phục những bất cập trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư theo địa bàn và lĩnh vực theo Luật Đầu tư như kết quả kiểm toán đã chỉ ra.

Nghiên cứu Luật Thuế tài sản, trong đó quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang); giải quyết các bất cập về tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, giao khoán cho các hộ nông trường viên...

Kết luận hội thảo, Phó Tổng KTNN Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong những năm qua, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế.

Trong đó công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. KTNN đã và đang thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề về đất đai. KTNN đã phát hiện các hạn chế, vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai và kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp.

Bên cạnh đó, KTNN cũng từng bước đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các cơ quan có liên quan.

Tuy nhiên, lãnh đạo KTNN thẳng thắn cho rằng, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai mới dừng ở việc chú trọng kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà chưa đi sâu kiểm tra, phân tích đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai.

Dưới góc độ kiểm toán, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng KTNN tổng hợp, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời khẳng định KTNN sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán, tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề, chuyên sâu từ đó có kiến nghị với các cơ quan chức năng chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai

Doanh nhân tuổi Tỵ Lê Hồng Minh: Từ game thủ, kiểm toán đến Chủ tịch 'kỳ lân' công nghệ đầu tiên tại Việt Nam

EVNFinance (EVF) chấm dứt hợp đồng kiểm toán với ông lớn Big4 Ernst & Young Việt Nam

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/kiem-toan-chuyen-sau-de-hoan-thien-co-che-chinh-sach-ve-dat-dai-10222122116105017.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kiểm toán chuyên sâu để hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai
    POWERED BY ONECMS & INTECH