Kiến nghị chấm dứt hợp đồng BOT tuyến đường ven biển hơn 3.300 tỷ đồng tại Thanh Hóa
Thanh Hóa đề xuất chấm dứt hợp đồng BOT tuyến đường ven biển hơn 3.300 tỷ đồng và chuyển đổi sang phương thức đầu tư công để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2025 - 2026.
Thông tin từ Báo Đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Tờ trình số 301/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) theo hình thức BOT.
Theo đó, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng xem xét chấm dứt chủ trương đầu tư và hợp đồng trước thời hạn đối với dự án BOT này. Đồng thời, tỉnh đề xuất triển khai đầu tư lại tuyến đường theo Luật Đầu tư công với tổng kinh phí 3.300 tỷ đồng. Trong đó, địa phương kiến nghị bố trí lại 1.103 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương - khoản ngân sách mà Thanh Hóa đã hoàn trả trước đó, phần còn lại hơn 2.196 tỷ đồng sẽ được huy động từ ngân sách tỉnh để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2025 - 2026.
Thanh Hóa đề xuất chấm dứt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (Ảnh: Internet) |
Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia do UBND tỉnh Thanh Hóa là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhằm xây dựng mới 2 đoạn tuyến với tổng chiều dài 29,9km. Trong đó, đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn dài 12km, đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia dài 17,9km, có quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư dự án là 3.372 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 2.358 tỷ đồng (gồm 1.400 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và gần 959 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh), phần còn lại do nhà đầu tư huy động.
Nhà đầu tư thực hiện là liên danh CTCP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - CTCP Đầu tư và Thương mại Hoàng Thành.
Dự án được khởi công từ năm 2021, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 và vận hành khai thác theo hình thức thu phí trong 21 năm 10 tháng. Tuy nhiên, đến tháng 12/2024, nhà đầu tư mới hoàn thành thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở cho 4,69km trên tổng số 29,9km, chậm 13 tháng so với hợp đồng. Đến tháng 11/2023, nhà thầu chỉ mới triển khai một gói thầu dài 4,69km, trong khi tiến độ thi công yêu cầu hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2024.
Về tài chính, hợp đồng BOT quy định nhà đầu tư phải huy động 809,9 tỷ đồng vốn vay trong vòng 12 tháng từ ngày ký hợp đồng (trước ngày 17/1/2024). Tuy nhiên, đến ngày 26/1/2024, nhà đầu tư mới cung cấp hợp đồng vay vốn trị giá 570 tỷ đồng, thấp hơn 239,9 tỷ đồng so với phương án tài chính.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thời gian thu xếp tài chính đã quá hạn 18 tháng nhưng nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành, vi phạm quy định của Luật PPP. Bên cạnh đó, chính nhà đầu tư cũng đã có văn bản đề xuất chấm dứt hợp đồng dự án. Trước tình hình này, UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định việc chuyển đổi phương thức đầu tư từ BOT sang sử dụng ngân sách Nhà nước là cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành tuyến đường trọng điểm.
Hé lộ 2 dự án gần 4,5 tỷ USD của Vinhomes (VHM) sắp đổ bộ vào thị trường bất động sản trong 2025
Tập đoàn Sơn Hải quyết lập nên kỳ tích tại dự án cao tốc 12.000 tỷ đồng