Kiến tạo môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong trường đại học
x110;ể phát triển trường đại học định hướng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, cần rà soát, hoàn thiện chiến lược về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kiến tạo môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong trường đại học.
Đây là quan điểm chung của các chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024, do Trung tâm chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (CSK) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng 16/5.
Nhiều vướng mắc pháp lý
Đánh giá về bức tranh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, cùng với sự tiến bộ về nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, cũng như sức ép về sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trong cuộc CMCN 4.0, đã có sự chuyển biến ban đầu trong tư duy và hành động từ những người hoạch định chính sách cho tới đội ngũ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, so với yêu cầu, quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế, thì sự phát triển giáo dục đại học nói chung và khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong trường đại học nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu.
Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu thực tiễn về đại học đổi mới sáng tạo, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nếu các trường đại học không có năng lực đổi mới sáng tạo thì giáo dục đại học và khoa học công nghệ không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa tri thức, gia tăng giá trị, nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, để có đại học thế hệ thứ 3 (đại học đổi mới sáng tạo), châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đã có nền tảng, kinh nghiệm gần 200 năm đại học nghiên cứu (thế hệ thứ 2). Trong lúc đó, Việt Nam mới chỉ có kinh nghiệm xây dựng đại học “định hướng nghiên cứu” khoảng 10 năm trở lại đây, nên còn nhiều thách thức đặt ra cho các trường đại học.
Nhìn nhận về thực trạng đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội Tạ Đình Thi đánh giá: trong hệ thống đổi mới sáng tạo của Quốc gia, các trường đại học đóng vai trò trụ cột, tiên phong đi đầu thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy bộ khoa học - kỹ thuật; đẩy mạnh chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...
Tuy vậy, việc hình thành, quản lý, vận hành có hiệu quả các tổ chức đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ sở pháp lý chưa được hoàn thiện. Cụ thể, chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khoa học công nghệ, xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp. Bên cạnh đó, còn thiếu vắng sự gắn kết, liên kết, kết nối giữa 3 nhà (Nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp).
Cần có chính sách linh hoạt
Đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Nếu như các trường đại học không có năng lực đổi mới sáng tạo thì giáo dục đại học và khoa học công nghệ không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị, nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển. Do đó, cần có các cơ chế và chính sách linh hoạt và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ để khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn trong sản xuất và kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, để hình thành và phát triển các đại học định hướng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, để giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ trở thành quốc sách hàng đầu, dẫn dắt sự phát triển quốc gia như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chiến lược về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, tăng cường nguồn lực đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; kiến tạo môi trường thúc đẩy kho học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong trường đại học. Các trường đại học cần phải thể hiện vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bao gồm: cơ chế, chính sách, công tác quản lý, phát triển đội ngũ chuyên trách, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo, ươm tạo, kết nối các nguồn lực trong và ngoài trường bao gồm cả nguồn lực quốc tế, tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong giảng viên, sinh viên. Bộ tiêu chí được kỳ vọng là cơ chế quan trọng để đánh giá, quản lý nhà nước đối với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc BK Holdings Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch mạng lưới VNEI cho hay, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ từ trường đại học ra thị trường là một yếu tố quan trọng đối với sự đổi mới và phát triển của nền kinh tế. Chính sách hỗ trợ trong việc tạo điều kiện cho việc này là cực kỳ quan trọng.
Ông Nguyễn Trung Dũng kiến nghị, cần có các cơ chế và chính sách linh hoạt và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ để khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn trong sản xuất và kinh doanh. Việc tạo ra các quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án chuyển giao công nghệ, cùng với việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu và sinh viên có ý tưởng sáng tạo là cần thiết. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường Đại học, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để tạo ra một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sự chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả nhất.