Kinh tế Việt Nam hứng chịu “quả đấm bồi” từ căng thẳng Nga – Ukraine

28-02-2022 16:25|

“Quả đấm bồi” từ chiến sự giữa Nga - Ukraina sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn cho vấn đề tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Nga là quốc gia cung cấp dầu hỏa và khí đốt thuộc vào hàng đầu thế giới với số lượng rất lớn.

Giữa Nga và Đức có một dự án xây dựng đường dẫn khí gọi là “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream 2) đã hoàn thành và chờ ngày đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, trước khi chiến sự giữa Nga và Ukraine xẩy ra, Đức đã tuyên bố ngừng dự án này; đồng nghĩa Đức sẽ bị mất một nguồn cung cấp về khí đốt quan trọng.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ lên thị trường năng lượng toàn cầu. Bởi, tất cả thị trường năng lượng đều có liên kết với nhau từ xăng dầu, khí đốt cho đến các nguồn năng lượng khác. Khi một hoặc vài nguồn năng lượng bị cắt đứt sẽ đẩy giá dầu lên.

Thực tế cho thấy, kể từ khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine xảy ra, giá xăng dầu đã tăng vọt, hợp đồng dầu Brent vượt mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Và xu hướng giá dầu chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Tại Việt Nam, giá xăng dầu cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua. Đến ngày 28/2/2022, giá xăng dầu bán lẻ trong nước ghi nhận: Xăng E5 RON 92 không quá 25.532 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 26.287 đồng/lít; dầu diesel không quá 20.801 đồng/lít; dầu hỏa không quá 19.509 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.932 đồng/kg.

Theo dự đoán, giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao nếu tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa hạ nhiệt.

“Giá dầu đã tăng rất mạnh và sắp tới có thể tăng lên đến 150 USD/thùng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế này, hiện nay, hầu như tất cả thành phần kinh tế, từ cá nhân, tổ chức kinh tế, đến cơ sở sản xuất kinh doanh đều dùng xăng, dầu. Trên phương diện quốc gia, những phân xưởng sản xuất kinh doanh lớn đa quốc gia cũng phần lớn đều sử dụng xăng, dầu, mặc dù bên cạnh đó còn các nguồn năng lượng như thủy điện, mặt trời, gió nhưng xăng dầu vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu để phát triển và vận hành bộ máy kinh tế của đất nước.

Khi giá dầu tăng, trước nhất sẽ ảnh hưởng đến người dân, vì thu nhập của người dân tại Việt Nam còn thấp so với trên thế giới, mặc dù là quốc gia có 100 triệu dân nhưng GDP còn thấp, đâu đó khoảng 350 tỷ USD.

Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát sẽ gia tăng, do dầu hỏa, xăng dầu chiếm tỷ trọng rất đang kể trong rổ hàng hóa. 

ts.nguyen-tri-hieu.jpg

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu

“Mặc dù không thể chỉ dựa vào rổ hàng hóa có bao nhiêu xăng dầu để tính tỷ lệ lạm phát nhưng có thể nói giá xăng dầu đi vào tất cả ngõ ngách của nền kinh tế. Có thể nói khi giá xăng dầu tăng sẽ làm tăng giá hầu như tất cả mọi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác của nền kinh tế. Từ đó, đẩy lạm phát lên cao”. 

Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, năm 2021, Việt Nam duy trì  lạm phát ở mức thấp, CPI ở mức 1.84%, trong khi giá tất cả các loại hàng hóa đều tăng.

Năm 2022 được kỳ vọng mức lạm phát sẽ được giữ ở mức dưới 4%.  Tuy nhiên, với tình hình xăng dầu trên thế giới tiếp tục "leo thang" về giá như hiện nay thì lạm phát không loại trừ nguy cơ gia tăng. 

Chưa dừng lại ở đó, sau đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng vẫn chưa hồi phục; những cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn đang còn dư âm chịu tác động bởi dịch bệnh, nhiều người lao động phải nghỉ việc, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm cho nền kinh tế.

Mặc dù nền kinh tế trong những tháng tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 cũng tương đối hồi phục, song đánh giá khách quan thì còn ở trạng thái yếu kém, chưa thể đáp ứng được nhu cầu về nguồn cung hàng hóa của người dân và các cơ sở kinh tế. 

Thêm vào đó, “quả đấm bồi” từ chiến sự giữa tại Nga - Ukraina sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn cho vấn đề tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Năm 2025, cơ hội và thách thức nào đang chờ?

Samsung cắt giảm nhân sự toàn cầu: 'Cơn bão' có tràn tới Việt Nam?

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-viet-nam-hung-chiu-qua-dam-boi-tu-cang-thang-nga-ukraine-122855.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kinh tế Việt Nam hứng chịu “quả đấm bồi” từ căng thẳng Nga – Ukraine
    POWERED BY ONECMS & INTECH