Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, ‘người thầy’ vĩ đại của cách mạng, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới vĩ đại của Việt Nam
Người là một nhà ái quốc chân chính, nhà cách mạng sáng suốt, vị lãnh tụ thiên tài. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam…
Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, khi hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 tại làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – quê mẹ của Người (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Người đã sớm hấp thụ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mà tiêu biểu là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, tinh thần nhân ái, khoan dung và ý thức cố kết cộng đồng. Chính nền văn hóa ấy đã góp phần hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và là nền tảng hình thành, phát triển tư tưởng của Người.
Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân tộc, Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Người hiểu sâu sắc rằng căn nguyên của mọi khổ đau mà nhân dân lao động phải gánh chịu là do sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc.
Từ đó, Người hình thành ý thức giai cấp rõ rệt, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu thế giới quan và phương pháp luận cách mạng khoa học. Bằng thiên tài trí tuệ, Người nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của nhân loại cũng như ý nghĩa thời đại do Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra, tìm thấy trong chủ nghĩa Mác-Lênin lời giải cho con đường cách mạng Việt Nam: giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930, cùng với Cương lĩnh chính trị đầu tiên, đường lối cách mạng Việt Nam cơ bản được xác lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn dân tộc đã đoàn kết thành một khối thống nhất, phát huy tối đa sức mạnh toàn dân, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngay sau khi giành được độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã sáng suốt vạch ra đường lối đúng đắn, lèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thử thách, bảo vệ thành quả cách mạng. Người cùng Đảng đề ra chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, huy động sức mạnh toàn dân tộc, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ góp phần tạo dựng một chế độ mới, một thời đại mới mà còn đặt nền móng cho một nền văn hóa mới trong tiến trình phát triển của dân tộc. Trong suốt hành trình hoạt động cách mạng, Người không ngừng chọn lọc và tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc cùng với văn hóa nhân loại, đặc biệt là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ đó hình thành nên những giá trị văn hóa mới – văn hóa Hồ Chí Minh.
Với những cống hiến to lớn cho dân tộc Việt Nam và cho sự nghiệp tiến bộ của nhân loại, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tôn vinh Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam".

Từ khi đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã luôn hướng trái tim và hành động của mình đến những dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. Người đã tận tâm xây dựng sự đoàn kết vững chắc giữa các Đảng Cộng sản anh em, vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương và các nước láng giềng trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.
Người đã có những đóng góp lý luận quan trọng cho cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, nhấn mạnh quan điểm: giành độc lập là để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người đã tìm ra những phương pháp đúng đắn để giải phóng con người và các dân tộc bị áp bức.