Ký kết Hiệp định CEPA Việt Nam - UAE: Dấu mốc lịch sử mở con đường lớn vào thị trường Trung Đông - châu Phi
UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của ta sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông. UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu.
Trong chương trình thăm chính thức UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo cấp cao UAE sẽ chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) giữa Việt Nam và UAE ngày 28/10. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những chia sẻ trực tiếp với phóng viên về sự kiện mang tính dấu mốc lịch sử tạo đột phá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước, mở ra con đường lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông - Châu Phi
Dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - UAE
- Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), một sự kiện được Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá là một trong hai dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước trong chuyến thăm này của Thủ tướng. Bộ trưởng có thể chia sẻ sơ bộ về tiến trình đàm phán Hiệp định cũng như những nội dung chính trong FTA Việt Nam - UAE vừa được ký kết?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Từ năm 2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế UAE đã chủ động nghiên cứu khả năng đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. FTA giữa Việt Nam và UAE được đánh giá là khả thi, kỳ vọng mang lại lợi ích cho cả hai Bên và phù hợp với mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Sau quá trình nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động của FTA giữa Việt Nam và UAE vào năm 2022, trên cơ sở thống nhất với UAE, tháng 4/2023, trong chuyến thăm và làm việc với UAE của tôi cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương, hai bên đã thống nhất tên gọi của FTA song phương là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) và ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc tiến tới khởi động đàm phán cũng như thống nhất Điều khoản tham chiếu (TOR) của CEPA.
Ngày 20/6/2023, Chính phủ đã chính thức quyết định khởi động đàm phán CEPA trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - UAE ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Từ khi khởi động đàm phán vào tháng 6/2023 đến nay, Việt Nam và UAE đã trải qua nhiều phiên đàm phán về CEPA với các nội dung: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, thương mại số, phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm của Chính phủ, các vấn đề về pháp lý - thể chế, hợp tác kinh tế và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với các nội dung này, CEPA giữa Việt Nam và UAE được đánh giá là một Hiệp định toàn diện và hứa hẹn đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và UAE.
Với sự quyết tâm, nỗ lực ở tất cả các cấp của Việt Nam và UAE, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tới UAE lần này, hai bên đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) giữa Việt Nam và UAE nhằm tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước.
Như vậy, từ khi khởi động đàm phán đến khi ký kết Hiệp định CEPA, chúng ta chỉ mất hơn 1 năm, nhanh hơn rất nhiều so với các FTA trước đây và có thể coi đây là một kỷ lục.
UAE là nước chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng WTO năm 2024 và mặc dù rất bận nhưng nước chủ nhà đã dành sự quan tâm đặc biệt để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương với Việt Nam. Chúng tôi rất mừng là cả hai bên đã không bỏ lỡ cơ hội và nhanh chóng hoàn tất đàm phán để có thể sớm đưa vào thực thi.
Hiệp định CEPA gồm 18 Chương, 15 Phụ lục và 2 thư song phương. Trong đó, đáng chú ý là hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
Tóm lại, đây là Hiệp định FTA truyền thống với toàn bộ các nội dung vẫn thường có trong các hiệp định thương mại tự do khác nhưng với tiêu chuẩn cao và bao gồm nhiều yếu tố để chuẩn bị cho các xu thế phát triển của thế giới trong tương lai. Với những cam kết mang tính ưu đãi, thuận lợi, cân bằng lợi ích giữa hai bên, Hiệp định này sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và UAE trong thời gian tới.
Đường lớn đã mở...
- Như chia sẻ của Bộ trưởng, Hiệp định CEPA dành rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang UAE. Vậy theo Bộ trưởng, những ngành hàng, lĩnh vực nào của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Trong khuôn khổ Hiệp định, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của ta sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông. UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu. Có thể kể đến các ngành hàng chính như:
Thứ nhất là về nông sản: Các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế giảm. Hơn nữa, đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal.
Thứ hai là hàng tiêu dùng bao gồm dệt may, da giày, điện tử... đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, và việc cắt giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá cả và mở rộng thị phần tại UAE, một thị trường có nhu cầu cao về thời trang và hàng tiêu dùng chất lượng.
Thứ ba là hàng thủy sản: Với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi từ CEPA.
Thứ tư là gỗ và các sản phẩm từ gỗ: Đây là mặt hàng cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ CEPA. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và các dự án bất động sản cao cấp tại UAE, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng là rất lớn.
Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, minh bạch hoá mua sắm của Chính phủ... từ đó tạo thuận lợi cho các động trao đổi đầu tư qua lại.
Mở đường cho hàng hoá Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông - Châu Phi
- Hiệp định CEPA sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - UAE và từ đó giúp hàng hoá Việt Nam tiến sâu, tiến xa hơn vào thị trường Trung Đông - Châu Phi?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: CEPA là FTA đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước Ả-rập ở khu vực Trung Đông và châu Phi và là bước khởi đầu cho việc thúc đẩy quan hệ không những với UAE mà còn cả khu vực. Do vậy, tôi cho rằng, Hiệp định CEPA không chỉ tạo đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - UAE, mà còn là động lực thu hút đầu tư mạnh mẽ từ UAE vào Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, công nghệ cao, phát triển chuỗi cung ứng.
UAE là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. Trong tương lai gần, CEPA có thể mang thêm nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam từ các doanh nghiệp UAE muốn tận dụng và hưởng lợi từ Hiệp định này. Điều này xuất phát từ:
Thứ nhất, trên cơ sở cân bằng về lợi ích, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho UAE với mức độ cao hơn so với WTO và một số FTA khác trong một số lĩnh vực mà nước này quan tâm như dịch vụ khách sạn, nhà hàng; cho thuê tàu có kèm người điều khiển; dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa tàu thuỷ; dịch vụ đại lý hàng hải... Đây là những dịch vụ mà UAE có thế mạnh và có khả năng sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Thứ hai, Hiệp định có 1 chương riêng về Hợp tác kinh tế. Tại Chương này, hai Bên nhất trí sẽ triển khai các hoạt động hợp tác vào các lĩnh vực như: du lịch, vận tải, các ngành sản xuất, dịch vụ tài chính, phát triển năng lượng... thông qua nhiều hình thức đa dạng như tổ chức các hội nghị, hội thảo; trao đổi đoàn, chuyên gia, kỹ thuật viên và chuyên gia học thuật; đối thoại và trao đổi kinh nghiệm giữa khu vực tư nhân của các Bên. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, chuyên gia của ta học tập kinh nghiệm, cũng như tiếp thu các công nghệ mới, tiên tiến từ UAE.
Thứ ba, CEPA còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ UAE - là nước có vốn đầu tư lớn - vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, cũng như cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Ngay khi chưa ký Hiệp định, Bộ trưởng bạn đã hai lần dẫn đầu Đoàn các doanh nghiệp lớn nhất của UAE sang Việt Nam tìm hiểu các cơ hội đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng, chuyển đổi năng lượng, hạ tầng và logistics. Các doanh nghiệp bạn quan tâm và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ ta trong việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển cơ sở hạ tầng và nghiên cứu các cơ chế mới cho một số địa phương dẫn đầu như TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vươn lên như cách UAE đã thực hiện trước đây. Chính vì vậy, hai bên đã quyết định thành lập ngay nhóm kỹ thuật để kết nối các doanh nghiệp của hai bên. Chúng tôi hy vọng các nỗ lực này sẽ sớm đạt được các kết quả hết sức cụ thể.
Về phát triển dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng, UAE là một trung tâm logistics thuộc loại lớn nhất toàn cầu, CEPA sẽ giúp tăng cường hợp tác về dịch vụ vận tải, logistics và chuỗi cung ứng, giúp hàng hóa Việt Nam được vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả hơn.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về ý nghĩa của CEPA giúp chúng ta khai mở thị trường Trung Đông vốn đang "ngủ quên" với quy mô lên tới 2.000 tỉ USD?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Việc ký kết CEPA với UAE được kỳ vọng là một đòn bẩy quan trọng cho Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội thương mại và đầu tư tại khu vực Trung Đông. Đây là khu vực có nhiều nền kinh tế rất năng động, có quy mô kinh tế lớn nhưng lại chưa được doanh nghiệp Việt Nam để ý trong giai đoạn trước đây.
Với việc hai bên có CEPA, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại UAE chắc chắn sẽ tăng lên và đây là cơ hội để doanh nghiệp chúng ta đuổi kịp, thậm chí là vượt lên các đối tác khác ở thị trường quan trọng này.
Bên cạnh đó, UAE là cửa ngõ thương mại quan trọng tại Trung Đông, có tiềm năng kết nối với nhiều quốc gia trong khu vực. Do vậy, thông qua UAE, các sản phẩm của Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn khác trong khu vực như Ả-rập Xê-út, Ca-ta và Cô-oét cũng như một số nước ở Bắc Phi và Tây Á.
Như vậy, thông qua việc cắt giảm thuế quan, mở rộng cơ hội hợp tác và đầu tư, CEPA sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường Trung Đông. Đây cũng là bước đầu trong chủ trương của Chính phủ trong việc đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ, không những chú trọng phát triển các thị trường truyền thống mà còn ưu tiên phát triển các mối quan hệ mới với các nước mà do nhiều nguyên nhân ta chưa có điều kiện phát triển trong giai đoạn trước đây.
Việt Nam cần làm gì để hiện thực hoá những tiềm năng mới?
- "Đường lớn đã mở" và hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang UAE nói riêng và khu vực Trung Đôngnói chung đã rộng hơn rất nhiều. Dù vậy, trong quá trình thực thi Hiệp định CEPA, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sẽ đối mặt với không ít thách thức, theo Bộ trưởng, đó là những thách thức nào? Và Bộ Công Thương sẽ làm gì để hiện thực hóa các cam kết đã ký kết, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội từ CEPA?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đối với CEPA, khi thực hiện Hiệp định này sẽ có một số thách thức cần lưu ý. Trước hết là các doanh nghiệp cần làm sao tận dụng tối đa các cơ hội mà CEPA mang lại. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết của Hiệp định cũng như nắm rõ tập quán kinh doanh của thị trường UAE nói riêng và Trung Đông nói chung.
Ngoài ra, với các nước Ả-rập thì yêu cầu về chứng chỉ Halal rất quan trọng nhưng do đây không phải là thị trường truyền thống nên ta cần nỗ lực hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước khác vốn đã quen với các quy định nhập khẩu này từ rất lâu. Tuy nhiên, tôi tin tưởng với các quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ thời gian qua, các Bộ, ngành sẽ tích cực vào cuộc cùng hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua các khó khăn này.
Để hiện thực hóa các cam kết trong CEPA Việt Nam - UAE, Bộ Công Thương dự kiến sẽ xây dựng chi tiết Kế hoạch thực thi Hiệp định CEPA, tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chủ yếu:
Một là, về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CEPA: Bộ Công Thương sẽ tăng cường phổ biến về nội dung và tác động dự kiến của Hiệp định cho các đối tượng có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để tận dụng hiệu quả các cơ hội mà Hiệp định mang lại. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ chú trọng tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp về các cam kết cụ thể của Việt Nam và UAE trong Hiệp định, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng về nội dung và cách áp dụng các cam kết, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.
Hai là, về công tác xây dựng pháp luật, thể chế: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã cam kết trong Hiệp định CEPA, trong đó bao gồm Nghị định của Chính phủ về ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của CEPA để áp dụng cho UAE, Thông tư về quy tắc xuất xứ trong CEPA.
Ba là, về công tác nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tập trung triển khai đồng bộ các công việc như xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong quá trình tìm kiếm, thâm nhập thị trường xuất khẩu mới trong khu vực và đáp ứng các yêu cầu tại nước nhập khẩu trong đó có chứng chỉ Halal. Đồng thời, như đã trình bày ở trên việc kết nối để các doanh nghiệp UAE đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng, logistics … sẽ là nội dung quan trọng trong kế hoạch thực thi.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
>> Hiệp định CEPA: Con đường lớn để Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông
Việt Nam có thể bảo đảm an ninh lương thực cho UAE
Việt Nam - UAE thúc đẩy đưa quan hệ hợp tác toàn diện lên tầm cao mới