Kỳ lạ “Ngân hàng cho người nghèo” - đạt tỷ lệ thu hồi vốn đến 99%
Cha đẻ của mô hình "ngân hàng cho người nghèo" - Muhamed Yunus đã được nhận giải Nobel hòa bình vào năm 2006.
Muhammad Yunus sinh ngày 28/6/1940 ở Chittagong, tỉnh Bengal của Ấn Độ thuộc Anh (nay là nước Bangladesh). Năm 1957, Yunus theo học ngành kinh tế tại Đại học Dhaka. Ông tốt nghiệp năm 1960 và lấy bằng thạc sĩ năm 1961.
Sau khi ra trường, Yunus vào dạy tại Đại học Chittagong trước khi nhận học bổng Fullbright để sang Mỹ và lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Vanderbilt năm 1969. Từ năm 1969 đến năm 1972, Yunus là giáo sư phụ giảng môn kinh tế học tại Đại học Middle Tennessee State. Ông được mời ở lại làm việc nhưng vì tình yêu dành cho đất nước, Yunus quyết định quay trở về Bangladesh và giảng dạy tại Đại học Chittagong.
Nhà kinh tế Muhammad Yunus là người khởi xướng về một nền kinh tế thị trường xã hội mới. Năm 1976, ông cùng với các sinh viên tới một làng nhỏ ở Bangladesh, trò chuyện với 42 phụ nữ làm nghề đan lát và nghe họ cầu ước có được 27 USD để có thể thoát khỏi cảnh lệ thuộc. Tín dụng nhỏ đã ra đời trong bối cảnh này. Năm 1983, ông sáng lập Grameen Bank ("Ngân hàng nông thôn"). Grameen Bank tuy không hoạt động theo nguyên tắc khai thác lợi nhuận tối đa nhưng định hướng làm ăn có lãi. 97% khách hàng của Ngân hàng Nông thôn là phụ nữ. Được giải thưởng Nobel Hòa bình, Muhammad Yunus được gọi là "nhà tài phiệt" bảo trợ người nghèo.
“Ngân hàng cho người nghèo” ra đời
Năm 1974, nạn đói khủng khiếp tại Bangladesh khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó, Yunus tự hứa phải làm một điều gì đó để xóa đói giảm nghèo tại nước ông. Cuối cùng, sau rất nhiều năm trăn trở, ông đã tìm ra con đường để hiện thực hóa quyết tâm của mình. Khái niệm “Tín dụng vi mô” hay “Tài chính vi mô’ cũng vì thế mà ra đời.
Trong suốt quãng thời gian từ năm 1976 đến 1982, Yunus đã tạo điều kiện cho 28.000 người nghèo ở Bangladesh được vay tiền để phát triển công việc. Thành công của chính sách này giúp ông tự tin thành lập ngân hàng mang tên Grameen vào năm 1983. Ngân hàng này còn có một tên gọi gần gũi khác là “Bank for Poor” (Ngân hàng cho người nghèo).
Đúng như tên gọi của mình, Grameen cho người nghèo vay các khoản nhỏ 50-100 USD mà không đòi hỏi thế chấp hay bảo đảm. Để duy trì được hoạt động, ngân hàng này cũng tạo ra các “nhóm đoàn kết” để các thành viên tự quản lý việc vay tiền cũng như hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực khác. Khi công việc phát triển, Grameen phát triển các hệ thống tín dụng nhỏ cũng như các chương trình cho vay về nhà cửa và hỗ trợ tài chính cho những dự án nhỏ nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu, dệt may... Đây là chiến lược được Yunus nghiên cứu rất kĩ. Ông lại chứng minh đây là lựa chọn đúng hướng vì “ở Bangladesh chẳng có việc làm và điện nhưng các mô hình tín dụng nhỏ lại hoạt động rất hiệu quả”.
Tính đến năm 2006, tổng số người đã và đang vay tiền tại Grameen là 6,61 triệu người và 97% trong số đó là phụ nữ. Trong tổng số khoảng 290,03 tỉ taka Bangladesh (khoảng 5,72 tỉ USD) cho vay, ngân hàng đã thu hồi được khoảng 258,16 tỉ taka (khoảng 5,07 tỉ USD), đạt tỉ lệ thu hồi nợ ở mức 98,85% - một tỉ lệ rất cao trong ngành ngân hàng. Đặc biệt, những người từng vay từ Grameen sở hữu 94% cổ phần của ngân hàng và 6% còn lại do sở hữu nhà nước.
Giải Nobel hòa bình
Ban đầu, ý tưởng “tài chính vi mô” và “cho người nghèo vay tiền” của Yunus từng bị coi là điên rồ. Nhưng Yunus đã chứng minh điều ngược lại. Mô hình tín dụng giúp đỡ người nghèo của Grameen cũng được áp dụng ở hơn 100 nước khác nhau. Thành công của Yunus đã tạo ra một làn sóng mới trên toàn cầu. Hàng loạt ngân hàng đã áp dụng mô hình này, trong nỗ lực cải thiện đời sống cho những tầng lớp nghèo khó trong xã hội của quốc gia mình.
Chính bởi tất cả những điều này, Yunus và ngân hàng Grameen của ông được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2006. “Để có nền hòa bình bền vững, phần lớn dân chúng phải có được phương cách thoát khỏi đói nghèo. Tín dụng nhỏ là một trong những phương cách đó. Cho người nghèo vay tiền mà không cần bất kỳ sự bảo đảm tài chính nào vốn là một ý tưởng bất khả thi, nhưng Yunus đã biến nó thành sự thật”, ông Ole Danbolt Mjoes, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy khi ấy đã giải thích về sự chọn lựa của 5 thành viên trong Ủy ban trước bản danh sách 191 ứng viên.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton còn cho rằng Yunus thậm chí còn giành cả giải Nobel Kinh tế. “Theo tôi, với sáng kiến giúp tầng lớp bần cùng thoát nghèo, Yunus xứng đáng nhận giải Nobel Kinh tế, và lẽ ra ông phải được trao từ rất lâu rồi”, tờ Times trích lời của ông Clinton. Giải Nobel Hòa bình không thể giúp Yunus ở lại cống hiến cho ngân hàng Grameen lâu như ông mong muốn. Năm 2011, ông rời khỏi ngân hàng Grameen với chức danh Giám đốc quản lý vì lý do quá già. Yunus không chiến thắng được thời gian, nhưng chắc chắn di sản của ông là bất tử.