Kỷ lục hơn 13 triệu sĩ tử tham dự kỳ thi Đại học 'khắc nghiệt nhất thế giới'
Một số lượng kỷ lục học sinh trung học phổ thông trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu tham gia một kỳ thi mang tính cạnh tranh cao có thể quyết định tương lai của họ ở một đất nước đang vật lộn với nền kinh tế đang phát triển chậm lại. Cựu danh thủ David Beckham cũng “thổi lửa” cho sự kiện ý nghĩa này.
Theo hãng thông tấn CNN, kỳ thi tuyển sinh Đại học quốc gia ở Trung Quốc kéo dài 2 ngày mồng 6 và 7/6, hay còn gọi là “gaokao” (cao khảo), là kỳ thi học thuật lớn nhất thế giới.
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc mô tả đây là kỳ thi tuyển sinh Đại học “khó khăn nhất thế giới” do tính cạnh tranh và cường độ cao, trong đó học sinh dồn hết mọi thứ họ đã học trong 12 năm “đèn sách” vào một số bài kiểm tra môn học mà mỗi bài thi kéo dài chưa đến 2 giờ.
Được biết, hơn 13,4 triệu thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi năm nay, vượt qua kỷ lục 12,9 triệu sĩ tử của năm ngoái để trở thành kỳ thi “gaokao” lớn nhất từng được tổ chức tại Trung Quốc.
Một nữ sinh vào trường để tham dự "gaokao" - kỳ thi Đại học khắc nghiệt nhất ở Trung Quốc vào sáng 7/6 tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) - Ảnh: AFP/Getty Images |
Học sinh Trung Quốc mất nhiều năm để ôn thi cho kỳ thi cực kỳ khó khăn vì đạt điểm thi cao là cách duy nhất để vào được các trường Đại học hàng đầu của đất nước đông dân thứ nhì thế giới. Kỳ thi “gaokao” này bao gồm các môn như văn học Trung Quốc, toán, tiếng Anh, vật lý, hóa học, chính trị và lịch sử.
Phần lớn sĩ tử Trung Quốc chỉ được thi một lần trong bài kiểm tra khắc nghiệt này, không giống như học sinh Mỹ có thể thi lại SAT.
>> Huyện của TP. HCM được lên thành phố, sắp khởi công khu đô thị đại học Quốc tế 2,5 tỷ USD
Trong khi đó, “bóng ma” về tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trong giới trẻ đã chồng chất lên áp lực phải đỗ Đại học của đông đảo học sinh dự kỳ thi khó khăn kể trên.
Thứ Sáu (7/6), ngày thi đầu tiên, nhiều bậc phụ huynh đã hồi hộp chờ đợi bên ngoài cổng trường sau khi đưa con cái mình vào phòng thi. Nhiều phụ huynh và giáo viên mặc trang phục màu đỏ, màu chiến thắng và may mắn theo quan niệm của người Trung Quốc, một số người còn cầm hoa hướng dương – được coi là loài hoa cát tường đại diện cho sự thành công trong học tập.
Học sinh xếp hàng để vượt qua kiểm tra an ninh bên ngoài trường học vào ngày đầu tiên của kỳ thi "cao khảo" hôm 7/6 ở thành phố Bạc Châu (tỉnh An Huy, Trung Quốc) - Ảnh: AFP/Getty Images |
Các nhà chức trách đã triển khai một loạt biện pháp để duy trì trật tự và ổn định xung quanh các địa điểm thi.
Tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), cảnh sát giao thông đã có mặt trên đường phố từ 6 giờ sáng để giúp thông suốt và giảm bớt lưu lượng giao thông xung quanh một trường học gần Cung điện Mùa hè, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng được khách du lịch yêu thích, hãng thông tấn Nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin.
Theo Tân Hoa Xã, tại thành phố Thượng Hải, các trung tâm điều phối taxi bắt đầu nhận đặt chỗ cho học sinh dự thi từ 1 tuần trước.
Mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những thông điệp chúc may mắn và những lời động viên, trong đó “gaokao” đang là xu hướng chủ đề tìm kiếm hàng đầu trên nền tảng Weibo, mạng xã hội gần giống X (tên cũ là Twitter).
Nhiều người nổi tiếng Trung Quốc và thậm chí cả một số ngôi sao quốc tế đã đăng lên mạng xã hội lời chúc may mắn dành cho các thí sinh dự thi “gaokao” năm nay.
Huyền thoại bóng đá người Anh David Beckham đã đăng những lời chúc tốt đẹp của mình trên mạng xã hội weibo, nơi anh tự hào thu hút đến 10 triệu người hâm mộ.
Huyền thoại David Beckham chúc phúc các sĩ tử dự kỳ thi tuyển sinh Đại học ở Trung Quốc năm nay |
“Tôi chỉ muốn nói “chúc may mắn” tới tất cả học sinh sắp tham gia kỳ thi. Các bạn đã làm việc rất chăm chỉ. Kim Bang Ti Ming!” – cựu tiền vệ MU nói trong một video sử dụng một cụm từ tiếng Trung Quốc có nghĩa là đạt được danh dự và thành công trong các kỳ thi quan trọng.