Mỹ phản đòn, tấn công vào huyết mạch của ngành công nghiệp Trung Quốc
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang bước vào giai đoạn mới, khi những nguyên liệu hóa dầu chiến lược – vốn là “huyết mạch” cho ngành công nghiệp Trung Quốc – trở thành tâm điểm đối đầu.
Khi Trung Quốc phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn nguyên liệu thô từ Mỹ – đặc biệt là propane và ethane – lợi thế truyền thống của Bắc Kinh trong việc kiểm soát kim loại đất hiếm đang dần bị suy yếu.
Hóa chất Mỹ – điểm yếu mới của Bắc Kinh?
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính, riêng trong năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu trung bình hơn 565.000 thùng hóa chất/ngày từ Mỹ, tương đương kim ngạch hơn 4,7 tỷ USD – cao gấp nhiều lần so với giá trị đất hiếm mà Mỹ mua từ Trung Quốc (khoảng 170 triệu USD, theo số liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ).
Mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau. Dù Trung Quốc nắm vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu, nước này lại khó thay thế được nguồn hóa chất chuyên biệt từ Mỹ – nguyên liệu thiết yếu trong các ngành sản xuất từ hàng tiêu dùng đến công nghiệp nặng.

Hiện phần lớn các nhà máy tại Trung Quốc vẫn sử dụng naphtha để sản xuất hóa chất cơ bản. Mặt khác, khi điều kiện thuận lợi, propane – nguồn nguyên liệu rẻ và hiệu quả hơn – sẽ được lựa chọn thay thế.
Tuy nhiên, các nhà máy tách hydro từ propane (PDH) không thể vận hành bằng naphtha, khiến nguồn cung propane trở thành yếu tố then chốt.
Mỹ hiện đang chiếm hơn 50% tổng lượng propane nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2024. Kể từ năm 2020, giá trị thị trường nhóm nguyên liệu này đã tăng gấp gần 4 lần, trong đó Trung Quốc nổi lên như khách hàng lớn nhất của các nhà sản xuất Mỹ.
Đòn trả đũa và phản đòn
Tới nay, mối quan hệ thương mại gắn bó giữa 2 siêu cường đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Đầu tháng 4, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố gói thuế quan mới, Bắc Kinh lập tức áp thuế trả đũa lên hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm mức thuế lên tới 125% đối với propane và ethane – gần như “chặt đứt” dòng chảy hóa chất sang Trung Quốc.
Việc tìm nguồn thay thế không dễ dàng. Nhiều nhà cung cấp Trung Đông hiện đang ưu tiên thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dù có thể điều chỉnh luồng hàng, họ hoàn toàn có thể tận dụng sự thiếu hụt để đẩy giá lên.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận hành nhà máy PDH tại Trung Quốc – như Hengli Petrochemical – vốn đã chịu biên lợi nhuận mỏng, nay đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động vì chi phí leo thang.
Trở ngại mới từ Washington
Giữa lúc Bắc Kinh đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng bằng cách gỡ bỏ thuế đối với ethane Mỹ, một rào cản khác lại xuất hiện từ phía Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ vừa từ chối cấp phép xuất khẩu ethane sang Trung Quốc với lý do lo ngại rủi ro “khó chấp nhận” về an ninh – đặc biệt là khả năng sử dụng vào mục đích quân sự tại Trung Quốc. Hai tập đoàn xuất khẩu lớn là Enterprise Products Partners và Energy Transfer đều nhận được thông báo từ chối cấp phép.
Đòn chặn này khiến gần như toàn bộ nguồn cung ethane của Trung Quốc – vốn phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ – bị đe dọa. Những nhà máy hóa dầu tại Liên Vân Cảng và Thiên Tân thuộc các tập đoàn lớn như Satellite Chemical, Sinopec, INEOS hay SP Chemicals (trụ sở tại Singapore) sẽ phải đối mặt với nguy cơ tê liệt nếu nguồn cung không được nối lại.
Theo Oil Price
>> Trước giờ G: Mỹ dàn trận thương mại, Trung Quốc cảnh báo đáp trả