Chinh phục siêu cường: Nông sản Việt lập kỳ tích trên đất Mỹ
Tính đến tháng 11/2024, Mỹ chính thức vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 21,7%.
Trung Quốc theo sát phía sau với 21,6%, trong khi Nhật Bản giữ vị trí thứ ba với 6,6%. Kết quả ấn tượng này là thành quả của một năm ngành nông nghiệp bứt phá. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước tính đạt trên 62 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2023. Xuất siêu đạt mốc kỷ lục 19 tỷ USD, đánh dấu sự tăng trưởng vũ bão trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn.
Trong danh sách 11 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nổi bật nhất là 7 mặt hàng đã vượt ngưỡng 3 tỷ USD, bao gồm: gỗ và sản phẩm gỗ (16 tỷ USD), rau quả (7,1 tỷ USD), gạo (5,7 tỷ USD), cà phê (5,4 tỷ USD), hạt điều (4,3 tỷ USD), tôm (3,8 tỷ USD) và cao su (3,2 tỷ USD). Nhiều ngành hàng đã ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, điển hình như cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.
Với thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, Mỹ đã trở thành đích đến quan trọng cho các sản phẩm chất lượng cao từ Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội cũng có nhiều thách thức đặt ra. Đặc biệt, các chính sách bảo hộ thương mại và yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là rào cản mà các doanh nghiệp Việt phải vượt qua.
Theo dự báo, việc Donald Trump tái đắc cử đồng nghĩa với việc các chính sách bảo hộ thương mại đối với hàng nhập khẩu có thể sẽ càng gắt gao hơn, bao gồm rào cản thuế quan và quy định kỹ thuật khắt khe.
Mỹ trở thành "bạn hàng" lớn nhất của nông sản Việt năm 2024. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường đối tác quan trọng với những bước tiến đáng kể như mở cửa cho sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi. Các sản phẩm nông sản Việt Nam lần đầu xuất hiện trên những nền tảng thương mại điện tử như TikTok, Taobao, JD.com và Xiaohongshu, tăng cơ hội tiếp cận người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thách thức vẫn hiện hữu khi Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia bị cảnh báo nhiều nhất tại Trung Quốc do các vấn đề như nhiễm nấm mốc, vi khuẩn và phụ gia vượt mức.
Việc Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất là bước tiến quan trọng cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
>>500 ngàn đồng/buồng: Chuối Việt 'soán ngôi' Philippines, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc