Kỳ vĩ tòa nhà 81 tầng cao nhất Việt Nam: "Trái tim" của khu đô thị cao cấp 30.000 tỷ đồng, được kiến tạo bởi hơn 100 đơn vị xây dựng
Landmark 81 là tòa nhà cao nhất ở Việt Nam, cao thứ 2 khu vực Đông Nam Á với 461,2 mét, tương đương 81 tầng.
Nhắc đến các tòa nhà chọc trời nổi tiếng thế giới, có thể kể đến Tháp Khalifa tại Dubai lấy ý tưởng từ kiến trúc Hồi giáo, “vương miện ngọc của Hàn Quốc” Lotte World Tower hay tòa China Zun (Bắc Kinh) với tạo hình cong đặc trưng tựa bình rượu cổ Trung Quốc.
Không kém cạnh bạn bè năm châu, Việt Nam cũng sở hữu những tòa nhà với chiều cao “đáng gờm”. Đó là Tòa nhà Keangnam cao 336m, Bitexco Financial Tower 63 tầng hay Vietcombank Tower với chiều cao hơn 200m. Đặc biệt, vào ngày 26/07/2018, một công trình thế kỷ đã được khánh thành, phá vỡ kỷ lục tòa nhà cao nhất Việt Nam. Đó là The Landmark 81 Vinhomes Central Park, “trái tim” của khu đô thị cao cấp Vinhomes Tân Cảng (vốn đầu tư lên đến 30.000 tỷ đồng).
Tòa nhá phá vỡ những kỷ lục
Tòa nhà Landmark 81 tọa lạc tại 720A Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nơi được coi là cửa ngõ phía Đông Bắc, nút giao thông quan trọng của thành phố. Tại đây, chỉ mất 2 phút để đến được tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, mất 4 phút để đến trung tâm Quận 1, mất 3 phút để đến Khu đô thị Thủ Thiêm...
Landmark 81 có diện tích tổng thể 241.000 m2, chiều cao 461,3m, tòa tháp đã phá vỡ kỷ lục số 1 về chiều cao trước đó của công trình Keangnam Hanoi Landmark Tower (336m). Không chỉ vậy, tòa nhà còn có chiều cao vượt qua cả tòa tháp đôi ở Malaysia và trở thành một trong 10 tòa nhà cao nhất thế giới tại thời điểm khánh thành.
Công trình có tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 115.000 m2, 90.000 m2 diện tích hầm, móng sâu 75m, sử dụng hơn 100.000 m3 bê tông, 80.000 tấn thép. Với 81 tầng nổi, 3 tầng hầm, Landmark 81 tích hợp đầy đủ các phân khu chức năng: trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ, các nhà hàng, tầng quan sát... Tòa nhà có 28 thang máy, mỗi mặt sàn có 10 – 20 căn hộ.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng toà tháp cao nhất Việt Nam, ông Nguyễn Việt Quang (khi đó đang là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup) cho biết: "Khi bắt tay xây dựng Vinhomes Central Park, Chủ đầu tư mong muốn Vinhomes Central Park sẽ không chỉ là một khu đô thị phức hợp mà còn là một biểu tượng cho sự phát triển năng động của TP Hồ Chí Minh. Do đó, tại trung tâm của dự án, tòa Landmark 81 - tòa nhà cao nhất Việt Nam và nằm trong top những tòa nhà cao nhất thế giới đã được lên ý tưởng và xây dựng thành công. Tòa nhà cao 461,3m này là một kiệt tác kiến trúc được tạo nên bởi các nhà thầu thiết kế và giám sát thi công nổi tiếng thế giới như Mace (Anh), Atkins (Anh), Arup (HongKong) và Aurecon (Úc)".
Tòa nhà Landmark 81 được tạo hình cao vút lấy cảm hứng từ hình ảnh bó tre truyền thống vươn mình lên bầu trời xanh. Từ xa xưa, cây tre đã là nét quen thuộc của cuộc sống người dân Việt Nam. Cây không sống đơn độc mà mọc thành lũy, thành rặng. Rễ tre đào sâu xuống đất, kiếm tìm nguồn dinh dưỡng giúp cây sống lâu kể cả ở những vùng đất cằn khô. Vì vậy, toà nhà trở thành biểu tượng dân tộc cho sự gắn kết và bản lĩnh kiên cường. Giống như tre, Landmark 81 bộc lộ khát vọng vươn mình mạnh mẽ của đất nước, thể hiện sức mạnh tạo nên từ tinh thần đoàn kết trong thời đại hội nhập.
Công trình mang đậm dấu ấn của dân tộc
Là tòa nhà cao nhất Việt Nam và nằm trong top những tòa nhà cao nhất thế giới, Landmark 81 không chỉ là biểu tượng về độ cao mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam bởi do chính tay con người Việt làm nên. Chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup cùng tổng thầu là Coteccons đã cùng ngồi lại với nhau, lấy ý tưởng là bụi tre để tạo nên tòa nhà Landmark 81 sừng sững như ngày hôm nay.
Năm 2014, Vingroup cho đấu thầu công khai Landmark 81, Coteccons tham gia đấu thầu nhưng "lép vế" do báo giá cao và chưa có kinh nghiệm làm tòa nhà trên 60 tầng. Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons lúc bấy giờ từng tiết lộ trên báo chí: "Sau khi nộp hồ sơ, phỏng vấn, thuyết trình cho chủ đầu tư nhưng rất lâu Coteccons không nhận được phản hồi từ Vingroup. Bẵng đi một thời gian, tôi nghĩ chắc họ cần hình ảnh nhà thầu quốc tế chứ không phải Coteccons. Thế nhưng, một hôm ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup gọi cho tôi và muốn giao cho một nhà thầu Việt Nam làm công trình này. Dù hơi bất ngờ nhưng tôi hiểu được ý nghĩa sâu xa của lời đề nghị từ anh Vượng".
Ngay trong đêm nhận được cú điện thoại từ Vingroup, toàn bộ ban giám đốc của Coteccons đã lên máy bay ra Hà Nội để gặp ông Phạm Nhật Vượng. Theo đại diện Coteccons, vấn đề bây giờ không còn là chuyện lời hay lỗ nữa, mà đó là bộ mặt của dân tộc Việt Nam.
Vòng chung kết đấu thầu còn lại 3 gương mặt là Coteccons (Việt Nam), Lotte và SsangYong (Hàn Quốc). Chính từ cú điện thoại của Chủ tịch HĐQT Vingroup, Coteccons đã vượt qua được 2 đối thủ "đáng gườm" của Hàn Quốc để trúng thầu dự án Landmark 81 với tổng giá trị gói thầu lên đến 6.000 tỷ đồng.
"Landmark 81 là kết quả của quá trình nỗ lực, quyết tâm tạo dựng uy tín, thương hiệu trong nhiều năm qua của tất cả các đơn vị, sự nhiệt tình trong lao động, sự đồng tâm vượt khó phát triển không ngừng của hơn 100 đối tác, nhà thầu phụ, đội thi công...", ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Coteccons nhấn mạnh.
Bên cạnh các đơn vị trong nước, phần thiết kế của tòa nhà do Atkins - đơn vị thiết kế cho các công trình hàng đầu thế giới như Bahrain World trade Center, sân bay quốc tế King Abdulaziz tại Ả Rập Saudi,... đảm nhiệm. Phần kết cấu tòa nhà là Arup, là 1 trong những doanh nghiệp thiết kế hàng đầu cho nhà hát Opera Sydney thực hiện. Nội thất do các nhà thiết kế thời thượng bật nhất thế giới tạo dựng như Versace, Armani,...
Landmark 81 còn được biết đến là tòa nhà thân thiện với môi trường. Toàn bộ tòa tháp sử dụng kính cho mặt ngoài là kính Low-E - loại kính tạo điểm nhấn kiến trúc với tính năng ưu việt như truyền sáng, điều tiết nhiệt để giảm thiểu tiêu thụ điện năng, cản bức xạ tia cực tím, giúp cho căn phòng ngập tràn ánh sáng nhưng vẫn đảm bảo mát mẻ với nhiệt độ ổn định.
Sau khi chính thức hoàn thành những hạng mục chính. Landmark 81 cũng đã được lắp đặt đèn led toàn bộ. Hệ thống đèn led nhiều màu tô điểm cho toà tháp thêm lung linh, tuyệt đẹp khi về đêm.
Khởi công vào tháng 12/2016, Landmark 81 cất nóc vào tháng 2/2018, sớm tiến độ 60 ngày. Đây cũng là tòa tháp xây dựng nhanh nhất thế giới khi chỉ mất 3,5 ngày để hoàn thành một sàn. Không có sự cố nào về an toàn trong suốt quá trình thi công.
Sau khi được khánh thành và mang lại hàng loạt thành công vang dội, Landmark 81 xứng với tên gọi “niềm kiêu hãnh của Việt Nam”. Đó là danh hiệu “Tòa nhà cao nhất Đông Nam Á”, “Top 20 tòa nhà cao nhất thế giới”, chiến thắng ấn tượng tại giải thưởng “Tòa nhà cao tầng tốt nhất thế giới” (International Property Award 2016) với số điểm tuyệt đối và còn nhiều danh hiệu cao quý khác cho hạ tầng công trình đồ sộ này.
Đây là công trình do chính tay người Việt làm nên, đứng top những công trình cao nhất thế giới. Dấu ấn lịch sự đậm nét của dân tộc được thể hiện trong từng chi tiết của tòa nhà.