Tài chính Ngân hàng

Lãi ngân hàng mỏng đi vì hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, chuyên gia nói gì?

Thùy Linhh 09/09/2023 16:34

NIM giảm do các ngân hàng đã phải hi sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ.

NIM quý 2 tiếp tục mỏng đi, dư địa nào để ngân hàng cải thiện?

NIM (Net Interest Margin) hay còn gọi là biên lãi ròng - là phần chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng. Nói cách khác, NIM là phần chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động vốn (lãi tiền gửi) và hoạt động đầu tư (lãi cho vay) của ngân hàng. Do vậy, lãi suất chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến NIM, nhất là trong tình hình lãi suất liên tục biến động trong 2 quý đầu năm.

NIM thu hẹp trong quý 2

Chỉ số NIM toàn ngành có xu hướng giảm. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trung bình của 25 ngân hàng niêm yết đã giảm 32 điểm cơ bản xuống 3,41% trong quý 2/2023 do các ngân hàng đã phải hi sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.

NIM
Chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra (NIM)

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, mục đích chính là kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động sau thời gian tăng nóng vào cuối năm 2022, từ đó giúp mặt bằng lãi suất cho vay giảm, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc NIM ngân hàng không được hỗ trợ cải thiện nhiều.

Chi phí vốn của ngân hàng tăng mạnh. Chi phí vốn huy động của các ngân hàng cao hơn mức trung bình năm trước, chủ yếu do hệ quả từ đợt “chạy đua” lãi suất huy động trong khoảng cuối năm 2022. Theo đó, các khoản huy động tồn từ kỳ trước khiến mặt bằng chi phí vốn cao, làm giảm biên độ chênh lệch lãi suất của ngân hàng, và khiến việc giảm lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

Sự chênh lệch lớn giữa lãi suất đầu ra đã kéo theo chênh lệch tỷ lệ thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, xu hướng chung là tỷ lệ thu nhập hoạt động dịch vụ đã được các ngân hàng đẩy mạnh để bù đắp cho phần sụt giảm từ thu nhập hoạt động tín dụng.

Sacombank, VIB và VietinBank là các ngân hàng có thể duy trì mức NIM cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, VIB và VietinBank đã thành công trong việc tận dụng nguồn vốn liên ngân hàng (có sự sụt giảm mạnh trong quý 2/2023) khi tỷ lệ vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn của VIB và VietinBank tăng lần lượt 4,3% và 4,9% so với cùng kỳ tại cuối quý 2/2023. NIM của Sacombank cải thiện mạnh trong năm 2023 khi không còn áp lực lãi dự thu.

Riêng đối với ngân hàng HDBank (HDB) mặc dù có mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, nhưng HDBank cũng đối mặt với thách thức là NIM thu hẹp trong nửa đầu năm 2023. Điều này đã dẫn đến tỷ lệ thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của HDBank cũng có xu hướng giảm trong giai đoạn gần đây.

NIM cải thiện từ quý 4 nhờ lãi suất huy động giảm

CTCK Vietcap nhận định tín dụng quý 2 vẫn yếu như trong quý 1. Do đó, tăng trưởng tín dụng không có tác động lớn đến NIM trong quý 2 so với quý 1.

Tỷ lệ hình thành nợ xấu cao trong quý 1 tiếp diễn trong quý 2, đi kèm tăng trưởng kinh tế chậm lại tạo ra áp lực giảm NIM theo quý.

Trước dự báo nhu cầu tín dụng phục hồi và tác động tích cực lên NIM trong quý 3 so với quý 2, thêm việc kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ cải thiện trong quý 3 nhờ môi trường lãi suất thấp hơn và dự báo tình hình nợ xấu đạt đỉnh trong quý 3; Vietcap dự báo NIM quý 3 sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm.

Tuy nhiên, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng hồi phục, CASA cải thiện và nợ xấu chững lại, Vietcap dự báo NIM quý 4 sẽ tăng trở lại.

Chuyên gia nói gì?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, trên thực tế, NIM giảm là xu hướng chung của hoạt động ngân hàng tại nhiều quốc gia. Khi nền kinh tế sôi động, đặc biệt là thị trường bất động sản nóng lên, hoạt động ngân hàng cũng trôi chảy và các tài sản cũng được đảm bảo một cách ổn định.

Thế nhưng khi hoạt động sản xuất đình trệ, đặc biệt là khi bất động sản giảm giá, lập tức những tài sản đảm bảo của các ngân hàng cũng xuống giá, từ đó làm cho các chỉ số của ngân hàng đều giảm. Đây là điều đã được dự báo và phải chấp nhận như một rủi ro trong định giá tài sản đảm bảo và tài sản nói chung, kể cả các tài sản vô hình của các doanh nghiệp và ngân hàng.

Sự khác biệt trong tỷ lệ CIR giữa các ngân hàng: Điều gì đang xảy ra?

Sự khác biệt trong tỷ lệ CIR giữa các ngân hàng: Điều gì đang xảy ra?

CIR là gì? Vì sao giảm CIR quan trọng với ngân hàng?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nim-quy-2-tiep-tuc-mong-di-du-dia-nao-de-ngan-hang-cai-thien-199931.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lãi ngân hàng mỏng đi vì hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, chuyên gia nói gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH