Sự khác biệt trong tỷ lệ CIR giữa các ngân hàng: Điều gì đang xảy ra?
Bức tranh về tỷ lệ CIR của các ngân hàng hiện nay có sự phân hóa khá mạnh.
Chỉ số CIR (Cost to Income Ratio) hay còn gọi là chỉ số thu nhập. Chỉ số này thể hiện mức độ vận hành hiệu quả của ngân hàng thông qua tỷ lệ % của tổng chi phí hoạt động trong tổng doanh thu của ngân hàng đó.
CIR càng thấp thể hiện khả năng quản lý chi phí càng tốt và hiệu suất hoạt động của ngân hàng càng cao. Tỷ lệ CIR quanh 20% cũng là vùng thấp kỷ lục của hệ thống các ngân hàng Việt Nam từ trước tới nay. Tuy nhiên, chênh lệch giữa các ngân hàng vẫn khá lớn. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy rõ điều này.
Vì sao có sự phân hóa mạnh?
Trên thế giới, CIR cao hay thấp còn tùy thuộc vào sự phát triển của thị trường, của hệ thống ngân hàng mỗi quốc gia. Những ngân hàng đã phát triển ổn định hạ tầng thường chọn chiến lược tăng “mẫu số”, tức tăng thu nhập để tối ưu bằng cách tăng năng suất bán hàng.
Để làm được điều đó, cần có sự cải thiện về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mang lại cho khách hàng. Việc liên tục cải thiện tốt hơn nhằm thỏa mãn nhu cầu giúp khách hàng dễ dàng chấp nhận, sẵn sàng bỏ ra nhiều chi phí để có được sự hài lòng trong quá trình sử dụng.
Ngược lại, có ngân hàng chọn tập trung giảm “tử số”, tức giảm chi phí bằng cách tối ưu chi phí vận hành, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh. Hoặc có lựa chọn hài hòa cả hai hướng trên để cải thiện CIR.
Tại Việt Nam, có thể thấy các ngân hàng đều đang chạy đua giảm CIR. Nhưng đó không hẳn đã là lựa chọn ưu tiên tại cùng một thời điểm, bởi còn do đặc thù phát triển của mỗi ngân hàng là khác nhau. Dựa trên mục tiêu kinh doanh, cơ cấu tài sản hay tầm nhìn của ban lãnh đạo.
Trong bối cảnh ngành và thị trường Việt Nam đang phát triển, điểm chung tại các ngân hàng là đòi hỏi nguồn lực và chi phí đầu tư lớn. Ba trục đầu tư tốn kém nhất là hạ tầng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch, phát triển nhân sự, và cho công nghệ với cuộc đua chuyển đổi số.
Mặt khác, do xuất phát điểm khác nhau, trải qua những thăng trầm hay khẩu vị kinh doanh và lựa chọn đầu tư khác nhau, do cân đối hiệu quả và quản trị chi phí rủi ro khác nhau, ở các giai đoạn khác nhau, CIR trong hệ thống trở nên khác biệt lớn giữa các nhà băng.
Phân hóa rõ nét tỷ lệ CIR giữa các nhóm ngân hàng
Chỉ số CIR của ngành ngân hàng đã giảm mạnh trong những năm qua, tuy nhiên tốc độ cải thiện đã giảm dần trong những quý gần đây.
Cụ thể, chỉ số CIR quý 2/2023 toàn ngành tăng nhẹ so với quý 1/2023 cũng như so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số CIR của các nhà băng là 34% tăng nhẹ 1,4 điểm % so với 6 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, bức tranh này không đồng đều ở các nhóm ngân hàng. Trong khi nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước giảm CIR, thì nhóm các ngân hàng tư nhân còn lại đa phần có sự gia tăng về chỉ số này so với cùng kỳ năm trước.
Sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng |
Đối với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước: Hiệu quả hoạt động của các ngân hàng có vốn nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2023 được tiếp tục cải thiện. Sỡ dĩ CIR giảm như vậy là do cắt giảm nhân sự và gia tăng xu hướng số hóa.
Trong Top 10 ngân hàng xếp theo quy mô giảm dần, có tới 5 ngân hàng (trong đó 3 ngân hàng thuộc nhóm Big 4) thực hiện cắt giảm nhân sự trên quy mô rộng chỉ trong 01 quý.
Thay vì tuyển dụng ồ ạt như trước đây, các ngân hàng có xu hướng thu hẹp quy mô và gia tăng đào tạo cũng như cải thiện cơ chế lương thưởng để giữ chân và nâng cao năng suất các nhân sự của mình.
Chỉ số CIR của Vietcombank và BIDV bật tăng lại trong các tháng gần đây do tiếp tục đầu tư hạ tầng cho thiết bị số hóa.
Trong khi đó, CIR của Vietinbank vẫn tiếp tục xu hướng cải thiện là 26,03%, giảm khoảng 0,9 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Sự cải thiện của CIR chủ yếu do tốc độ tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng (15,92%) nhanh hơn so với chi phí (11,9%).
Chỉ số CIR của nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước |
Đối với nhóm ngân hàng tư nhân cho vay doanh nghiệp: Hiệu quả hoạt động trong quý 2/2023 của nhóm ngân hàng tư nhân cho vay doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể, thể hiện qua việc nhiều ngân hàng đã cải thiện mạnh mẽ CIR trong kỳ. Kết quả này có được do nhiều ngân hàng tư nhân đã ý thức sớm vai trò của chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đầu tư mạnh mẽ để số hóa.
CIR của MSB đến hết tháng 6/2023 giảm mạnh về 29%. Nhờ vận hành hợp lý giữa kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng của MSB đạt 3.548 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch cả năm.
HDBank cũng là một trong số ít ngân hàng tư nhân thành công rực rỡ trong nỗ lực giảm CIR. CIR của ngân hàng HDBank (HDB) giai đoạn 2019 - 2020 từng trên 40% nhưng đã nhanh chóng giảm mạnh trong năm 2021 và 2022 xuống lần lượt là 38,08% và 39,28%, đến nửa đầu năm nay chỉ còn 34,77%.
Chỉ số CIR của HDBank hiện đang ở vùng dưới 35% tức đang dần sánh ngang những ngân hàng phát triển lâu năm. Việc này có được nhờ HDBank đã thực sự ngấm chuyển đổi số, tập trung vào tăng trưởng khách hàng thông qua nền tảng số, giảm chi phí một cách linh hoạt và cải thiện chất lượng dịch vụ. Số hóa cũng giúp HDBank tối ưu hóa quy trình nội bộ từ đó giảm chi phí hoạt động, tăng năng lực quản trị.
SHB đã thực hiện chuyển đổi số thông qua các kênh eKYC hay sản phẩm thấu chi online… đã giúp ngân hàng này cắt giảm được chi phí vận hành. Do đó, chỉ số CIR của ngân hàng này cũng giảm đáng kể xuống chỉ còn 22%.
Đối với nhóm ngân hàng cho vay bán lẻ: Các ngân hàng thiên về cho vay bán lẻ tiên phong trong việc sử dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo để cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
ACB đã giảm chỉ số CIR từ 51% xuống 31% bằng cách áp dụng công nghệ và tự động hóa quy trình, đồng thời tiết kiệm chi phí và tăng cường sự hài lòng của khách hàng.
VPBank tập trung vào cải thiện quản lý chi phí và hiệu quả hoạt động, đạt được mức CIR giảm xuống 29% nhờ triển khai các dự án số hóa và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật.
Nỗ lực chuyển đổi số của các ngân hàng đã mang lại những kết quả đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Với nhóm ngân hàng tư nhân còn lại: Mức CIR của nhóm ngân hàng tư nhân còn lại cao hơn so với các nhóm các ngân hàng khác. Điều này khá dễ hiểu khi các ngân hàng tư nhân này đa phần hình thành sau với quy mô nhỏ hơn. Trong khi các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước hình thành trước và liên tục gia tăng vị thế, thị phần thì nhóm ngân hàng tư nhân ít lợi thế hơn.
Cũng chính vì đặc thù đó, nhiều ngân hàng tư nhân nhỏ bắt đầu hành trình chuyển đổi số muộn hơn, độ phủ cũng ít hơn từ đó chỉ số CIR biểu thị cho chi phí trên mỗi đồng doanh thu thường cũng lớn hơn.
Có rất nhiều lý do cho việc này nhưng lý do lớn nhất - theo nhiều chuyên gia - là nguồn lực để chuyển đổi số. Chi phí để ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, vận hành không nhỏ nên nhiều ngân hàng nhỏ lựa chọn thực hiện điều này sau một chu kỳ tích lũy lợi nhuận nhất định.
Chính vì thế, chỉ số CIR của nhóm ngân hàng tư nhân thường sẽ cao trong giai đoạn đầu tư phát triển hệ thống và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. CIR cao trong trường hợp này thường sẽ ảnh hưởng ngắn hạn khiến ngân hàng gia tăng chi phí, giảm bớt lợi nhuận. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, việc đầu tư này giúp các ngân hàng tăng sức cạnh tranh, tăng độ phủ và kết quả kinh doanh sẽ tốt trong dài hạn.
Thời gian gần đây, sau một thời gian tích lũy được nguồn lực, nhiều ngân hàng quyết tâm gia tăng đầu tư cho chi phí hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới để mang lại lợi ích trong dài hạn. Điều này tác động khiến CIR tăng và kéo lùi lợi nhuận trong ngắn hạn.
Ví dụ như BVBank (BVB) - một ngân hàng có sự thay đổi về quy mô và chuyển đổi số được đánh giá khá tốt, cũng dễ hiểu khi CIR BVBank tăng 15 điểm phần trăm so với quý trước do tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch đi kèm với cuộc đua chuyển đổi số để phục vụ cho việc phát triển trong tương lai.