Báo cáo gần đây của Chứng khoán Bảo Việt cho biết lãi suất huy động (LSHĐ) duy trì ở mức rất thấp khiến người dân ngày càng ít gửi tiền vào ngân hàng. Trong đó, lãi suất tiền gửi tại nhóm các ngân hàng TMCP có quy mô lớn đối với hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9/2021, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng - tăng 6,35% so với cuối năm 2020. Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,5 triệu tỷ đồng - tăng gần 5,3% so với hồi đầu năm trong đó tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 7,8% so với đầu năm, tương đương tăng 380.291 tỷ đồng.
Tiền gửi dân cư tăng 2,92% lên gần 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương tăng hơn 150.000 tỷ đồng so với đầu năm. Song, tính riêng trong tháng 8 và tháng 9, tiền gửi dân cư liên tục sụt giảm so với các tháng trước đó.
Cụ thể, lượng tiền gửi của người dân trong tháng 9 giảm 1.473 tỷ đồng trong khi vào tháng 8, con số này ghi nhận giảm 986 tỷ đồng.
Ở diễn biến tích cực hơn, tiền gửi của các TCKT đã tăng trở lại trong tháng 8 (tăng 59.148 tỷ đồng) và tháng 9 (tăng 113.858 tỷ đồng) sau khi giảm 25.906 tỷ đồng vào tháng 7.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2021, có 5 ngân hàng ghi nhận sụt giảm tiền gửi. Trong đó, ABBank là ngân hàng có tiền gửi khách hàng giảm mạnh nhất.
Số dư tiền gửi khách hàng của ngân hàng tính đến 30/9/2021 là 67.054 tỷ đồng - giảm 7,5% so với đầu năm - chủ yếu do tiền gửi có kỳ hạn giảm 11,3% xuống còn 53.112 tỷ đồng. Các ngân hàng còn lại góp mặt trong danh sách là PG Bank (giảm 6,7%), NCB (giảm 3,6%), SeABank (giảm 2,5%) và Saigonbank (giảm 1,2%).
Báo cáo gần đây của Chứng khoán Bảo Việt cho biết lãi suất huy động (LSHĐ) duy trì ở mức rất thấp khiến người dân ngày càng ít gửi tiền vào ngân hàng. Trong đó, lãi suất tiền gửi tại nhóm các ngân hàng TMCP có quy mô lớn đối với hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.
Trong tháng 10, LSHĐ trung bình tiếp tục có diễn biến giảm nhẹ đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Cụ thể, trung bình LSHĐ 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,01 và 0,06 điểm %, lần lượt xuống 4,7% và 5,5% vào cuối tháng 10.
Nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất đối với cả 2 loại kỳ hạn trên trong tháng 10, lần lượt 0,04 và 0,14 điểm %, xuống còn 4,41% và 5,25%/năm.
Các chuyên gia cho rằng lãi suất tiền gửi ở mức rất thấp trong khi việc đầu tư mới hay mở rộng kinh doanh rất hạn chế khiến tiền nhàn rỗi đi vào các kênh rủi ro hơn như chứng khoán và bất động sản.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quí III/2021, tính đến 30/9, tổng số dư tiền gửi khách hàng của 28 ngân hàng đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng - tăng 6,5% so với cuối năm 2020.
10 ngân hàng có tiền gửi ngân hàng lớn nhất tính đến hết tháng 9/2021 bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, SCB, Sacombank, ACB, MB, SHB, Techcombank và VPBank.
Dẫn đầu bảng là 3 "ông lớn" quốc doanh, trong đó BIDV là ngân hàng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với hơn 1,3 triệu tỷ đồng - tăng 6,8% so với cuối năm 2020. Tiếp sau là Vietcombank và VietinBank với số dư tiền gửi khách hàng đều trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng lần lượt là 7,4% và 8,3% so với cuối năm trước.
Như vậy, chỉ tính riêng 3 "ông lớn" trên, lượng tiền gửi đã đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng - chiếm đến 45% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.