Lâm Đồng yêu cầu làm rõ vụ mất rừng ở dự án sân golf The Dàlat at 1200
UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân để mất rừng tại dự án sân golf The Dàlat at 1200, trên cơ sở đó yêu cầu chủ đầu tư bồi thường, khắc phục thiệt hại.
Liên quan đến vụ việc 37,5ha rừng bị mất trong quá trình triển khai dự án sân golf và biệt thự nghỉ dưỡng The Dàlat at 1200 tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) chủ trì làm rõ.
Cụ thể, Sở NN-PTNT Lâm Đồng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát, xác định rõ nguyên nhân để mất rừng, thời điểm để mất từng trên diện tích 37,5ha.
Trên cơ sở đó, yêu cầu Công ty TNHH Acteam International (Acteam International) bồi thường, khắc phục thiệt hại và xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh đối với các nội dung vượt thẩm quyền. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở NN-PTNT báo cáo các nội dung trên trước ngày 20/5/2024.
Như VietNamNet đã thông tin, năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng cho Acteam International thuê 650ha đất để thực hiện dự án sân golf và biệt thự nghỉ dưỡng The Dàlat at 1200 tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương.
Đến tháng 1/2022, để được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, Acteam International đã lập hồ sơ kiểm kê hiện trạng rừng trên diện tích đất thuê.
Qua thẩm định hiện trạng đất đai và tài nguyên rừng thuộc dự án của Acteam International, Sở NN-PTNT Lâm Đồng xác định còn 450ha rừng tự nhiên, 103ha rừng trồng và 117ha đất chưa có rừng.
So sánh với năm 2007, tức trước khi cho Acteam International thuê đất để thực hiện dự án The Dàlat at 1200, diện tích rừng đã giảm 43ha. Trong đó, rừng tự nhiên giảm 38,2ha và rừng trồng giảm 3,5ha.
Trong 43ha nói trên có 2,8ha đã được cơ quan chức năng xử lý; 2,9ha đề xuất không xử lý và 27,5ha chưa xử lý (gồm 7,1ha được cho chuyển mục đích sử dụng và 30,4ha thuộc hạng mục quản lý, bảo vệ rừng).
Đánh giá về tình trạng mất rừng tại dự án The Dàlat at 1200, theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, qua tài liệu thu thập và kết quả làm việc xét thấy việc Acteam International trực tiếp phá rừng để xây dựng công trình hạ tầng dự án.
>> Lộ diện ông chủ doanh nghiệp phá hơn 43ha rừng ở Đà Lạt để làm sân golf lớn nhất vùng
Lâm Đồng yêu cầu nộp lại 'sổ đỏ' dự án King Palace
Lâm Đồng chỉ đạo ngừng kinh doanh Dinh Bảo Đại, xác định tiền bồi thường