Thế giới

Lầm tưởng của phương Tây về hành trình xe điện Trung Quốc thống trị thế giới

Hoàng Yến 01/07/2024 05:30

Sự vươn lên thần tốc của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc bất chấp mọi nỗ lực cản trở của các nền kinh tế phương Tây thực sự đem đến nhiều bài học về chính sách phát triển công nghiệp cho các nước khác.

Lầm tưởng của phương Tây

Trung Quốc có thể vươn lên vị trí số 1 thế giới về xe điện như ngày nay là nhờ số tiền khổng lồ mà Chính phủ nước này bơm vào các công ty. Theo báo cáo được công bố hôm 20/6 bởi Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Trung Quốc đã chi ít nhất 230,8 tỷ USD trong hơn một thập kỷ để phát triển ngành công nghiệp ô tô điện như hiện nay.

Đó là quan điểm được nhiều bên ở Mỹ và châu Âu đưa ra, cũng là luận điểm chính châm ngòi cho căng thẳng thương mại gần đây.

Tuy nhiên, có một sự thật: nếu bí quyết thành công chỉ đơn giản như vậy thì đáng lẽ Trung Quốc cũng phải dẫn đầu mọi ngành công nghiệp từ máy bay tới chip bán dẫn. Sự trỗi dậy đặc biệt của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc – họ chỉ mất khoảng hơn chục năm để “thống trị” thế giới bất chấp mọi nỗ lực cản trở của các nền kinh tế phương Tây – thực sự đem đến nhiều bài học về chính sách phát triển công nghiệp cho các nước khác.

Lầm tưởng của phương Tây về hành trình xe điện Trung Quốc thống trị thế giới
Trung Quốc đã phát triển được ngành công nghiệp xe điện hùng mạnh số 1 thế giới

Cách tiếp cận đặc biệt của Trung Quốc

Sau khi xác định xe điện có vai trò rất quan trọng đối với cả nền kinh tế và môi trường, Bắc Kinh đã rót rất nhiều tiền cho ngành này. Tuy nhiên, ở điểm khởi đầu Chính phủ Trung Quốc đã dành nhiều ưu ái cho 1 công ty nước ngoài: Tesla. Đó là điều trái ngược hoàn toàn so với chủ nghĩa bảo hộ thường thấy. Năm 2019, Tesla bắt đầu sản xuất ở Trung Quốc và đã thực sự tạo nên sự hào hứng trong người tiêu dùng.

Sau lời kêu gọi của Chính phủ, hàng loạt công ty ô tô điện ra đời, cạnh tranh gay gắt về thiết kế, phần mềm và tích hợp các công nghệ cao. Một lần nữa thế giới lại chứng kiến Trung Quốc làm khác đi so với truyền thống: sẵn sàng để cho các công ty phá sản dù vẫn dành nhiều ưu ái cho ngành năng lượng mới nói chung.

Kết quả là trong làn sóng đó có rất nhiều công ty đổ vỡ, phá sản, nhưng điều đó chỉ khiến những kẻ sống sót trở nên mạnh mẽ, quyết tâm hơn. Đến năm 2024, thế giới chứng kiến một thị trường xe điện khốc liệt ở Trung Quốc, nơi các đối thủ liên tiếp phá giá và ganh đua từng chút một.

Đó là BYD với những chiếc xe có màn hình cảm ứng nhưng giá chỉ nhỉnh hơn 10.000 USD một chút, Li Auto với những mẫu xe thuộc L-Series liên tục chiếm lĩnh các bảng xếp hạng SUV nhờ nội thất rộng rãi và hệ thống giải trí vượt trội. Trong khi Apple đã từ bỏ dự án theo đuổi xe điện, nhà sáng lập Lei Jun của Xiaomi gần đây chứng kiến hàng dài “người hâm mộ” xếp hàng mua mẫu xe điện mới nhất mà nhà sản xuất smartphone vừa ra mắt.

capture.jpg
BYD đã vượt mặt Tesla

Theo chuyên gia phân tích Gerard DiPippo, trong lĩnh vực xe điện Trung Quốc không cố gắng tạo ra những ông lớn thống trị thị trường nội địa và ghi dấu ấn quá đặc biệt. Cách tiếp cận này tạo ra khoảng hơn 100 hãng xe điện.

Trong số này, BYD đã sản xuất hơn 3 triệu chiếc xe trong năm ngoái, thậm chí vượt mặt Tesla để trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới theo doanh số trong quý IV năm ngoái.

Ngành xe điện Trung Quốc đột phá trong nhiều công nghệ từ pin đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Chính phủ đã loại bỏ hiệu quả một số nhà sản xuất pin nước ngoài khỏi thị trường ở ngay thời điểm ngành này vẫn đang phát triển bằng cách lập ra “danh sách trắng” các nhà sản xuất pin được phép cung cấp. Tuy nhiên danh sách này đã bị hủy bỏ vào năm 2019. Nhưng trong 4 tháng đầu năm 2024, BYD và CATL chiếm tới 53,1% thị phần pin xe điện toàn cầu.

Chia sẻ với báo chí gần đây, một cán bộ Bộ Thương mại Trung Quốc tự hào nói rằng các nhà sản xuất xe điện ở Đồng bằng sông Dương Tử gần Thượng Hải có thể có được tất cả các linh kiện cần thiết để sản xuất chỉ trong 4 giờ.

Trong lúc Chính phủ Trung Quốc kêu gọi đã đến lúc giảm phụ thuộc vào bất động sản và cơ sở hạ tầng để tăng trưởng kinh tế, ngành xe điện đang nổi lên. Theo dự đoán, tới năm 2026 ngành này sẽ đóng góp 2,7% GDP, tăng gấp 9 lần so với năm 2020 dù vẫn chưa thể bù đắp lại khoảng trống do bong bóng bất động sản để lại.

Trung Quốc thực sự đã đi trước Mỹ và châu Âu

Về dài hạn, có nhiều trở ngại đang đón chờ xe điện Trung Quốc trên con đường tiến ra toàn cầu. Mức thuế 100% của Mỹ hay 48% của EU sẽ gây ra nhiều bất lợi. Cả hai nền kinh tế đều viện dẫn lý do tăng thuế là tình trạng dư thừa sản lượng và chính sách trợ cấp của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ mắc sai lầm nếu kết luận chính sách trợ cấp là “viên đạn thần”. Theo chuyên gia Yale Zhang của công ty tư vấn AutoForeSight, chỉ riêng trợ cấp sẽ không bao giờ tạo ra được 1 ngành khỏe mạnh. Thành công của Trung Quốc chủ yếu đến từ sản phẩm và lực cầu. Sau khi Mỹ dẫn đầu với Tesla thì Trung Quốc đã “chạy nhanh hơn trong khi châu Âu khá chậm chạp”.

Áp lực chạy đua khiến các thương hiệu Trung Quốc phải nhanh chóng nâng cấp và làm mới sản phẩm, đôi lúc trong mỗi 18 đến 24 tháng – tốc độ mà những nơi khác khó có thể nghĩ đến. Ở châu Âu chu kỳ thường là 4-5 năm, bởi tốc độ quá nhanh có thể khiến nhân viên kiệt sức.

Nỗ lực giảm ô nhiễm ở các thành phố lớn thực sự đóng vai trò quan trọng trong chính sách phát triển xe điện của Trung Quốc. Người mua được hưởng rất nhiều ưu đãi để chuyển từ xe xăng sang xe điện. Do đó cầu sẽ chạy trước cung.

Điều này trái ngược với chính sách của Mỹ, nơi thị trường hoàn toàn quyết định xe điện có thể thay thế xe xăng hay không. Còn ở Trung Quốc, ban đầu Chính phủ cung cấp trợ cấp lâu bền, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân nhảy vào và cạnh tranh, cuối cùng rút dần chính sách hỗ trợ sau khi những công ty tư nhân mạnh nhất nổi lên.

Trung Quốc hỗ trợ cả hạ tầng trạm sạc kể cả khi số lượng xe điện trên đường phố còn rất ít ỏi. Nền kinh tế lớn nhất châu Á cũng trợ cấp mạnh về pin, đó cũng chính là lý do lớn nhất giúp xe điện Trung Quốc có lợi thế về chi phí so với các nước khác, theo Herbert Crowther, chuyên gia phân tích tại Eurasia Group. Mới đây tờ Business Insider trích dẫn một khảo sát cho thấy gần 50% người Mỹ có ý định bỏ xe điện quay về xe xăng vì hạ tầng trạm sạc quá thiếu thốn.

Trong tương lai, thế mạnh của Trung Quốc có thể đến từ nhiều lĩnh vực, từ AI tới năng lượng tái tạo hay y sinh học. Xe điện cho thấy thành công của nước này đến từ các nhà khoa học và doanh nhân nhiều hơn là từ Chính phủ. Vai trò của chính sách chỉ đơn thuần là tạo ra một môi trường thuận lợi để họ có thể sáng tạo tối đa.

Theo Business Times

>> Phủ sóng truyền hình EURO 2024, BYD bùng nổ, giáng đòn 'chí tử' vào ông lớn ô tô châu Âu

Hé lộ điểm đến tuyệt vời cho các ông lớn xe điện Trung Quốc

Người Mỹ chờ hạ tầng trạm sạc để mua xe điện

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lam-tuong-cua-phuong-tay-ve-hanh-trinh-xe-dien-trung-quoc-thong-tri-the-gioi-240606.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lầm tưởng của phương Tây về hành trình xe điện Trung Quốc thống trị thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH