Làn sóng sa thải đang lan sang ngành công nghệ ở Đông Nam Á

09-12-2022 12:35|Thúy Hà

Các công ty công nghệ ở Đông Nam Á đang "nối gót" Mỹ tiến hành các đợt sa thải nhân viên quy mô lớn trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn.

Nhiều startup công nghệ khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu sa thải nhân viên trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro, theo CNBC.

Tuần trước, nền tảng bán hàng trực tuyến Carousell tuyên bố sa thải khoảng 10% nhân sự, tương đương 110 vị trí.

Hồi tháng 11, Tập đoàn công nghệ GoTo của Indonesia, màn kết hợp giữa gã khổng lồ ngành gọi xe Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia, cũng cắt giảm 1.300 việc làm, tương đương khoảng 12% nhân viên. Cả hai công ty đều trình bày những thách thức kinh tế vĩ mô dẫn đến quyết định sa thải.

Những công ty này đã cùng với Sea Group, công ty mẹ của Shopee và nhiều công ty khác trong khu vực thực hiện thu hẹp quy mô nhân sự. Theo truyền thông địa phương, Sea Group đã sa thải hơn 7.000 nhân viên trong 6 tháng qua.

anh-bai-17-1.jpg
Sea, công ty mẹ của Shopee, đã sa thải hơn 7.000 nhân viên, tương đương khoảng 10% tổng lực lượng lao động trong sáu tháng qua. Ảnh: Reuters.

“Những nhà sáng lập đang thận trọng quản lý chi phí trong môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn để đảm bảo đủ nguồn lực cho đến cuối năm 2024. Có những dấu hiệu cho thấy chúng ta đang bước vào thời kỳ suy thoái. Do đó, nhu cầu của khách hàng có thể sẽ chậm hơn vào năm 2023”, Jia Jih Chai, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty Rainforest có trụ sở tại Singapore, cho biết. Chai trước đây từng là Phó chủ tịch cấp cao của Carousell và Giám đốc điều hành của Airbnb.

Trong một ghi chú gửi cho nhân viên của Carousell, Giám đốc điều hành Quek Siu Rui thừa nhận đã mắc phải “những sai lầm nghiêm trọng”. Ông tâm sự bản thân đã “quá lạc quan” về sự phục hồi của thị trường sau đại dịch và đánh giá thấp tác động của việc tuyển dụng quy mô lớn.

Ông cũng cho biết thêm rằng ngoài việc sa thải, công ty cũng thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí khác. Ban lãnh đạo của Carousell cũng tự nguyện cắt giảm lương.

Được biết Carousell tăng trưởng doanh thu chậm hơn 21% vào năm 2021, trong khi vào năm 2020, doanh thu tăng trưởng gấp 3 lần. GoTo cũng chứng kiến khoản lỗ ngày càng lớn trong giai đoạn 9 tháng đầu năm.

Nhà báo Alex Kantrowitz ở Thung lũng Silicon bày tỏ sự ngạc nhiên khi các công ty đều cho rằng những hành vi trong đại dịch sẽ kéo dài mãi mãi. Ông giải thích thêm rằng rõ ràng khi đại dịch được đẩy lùi mọi người sẽ đi ăn nhà hàng, đi chơi và xem phim tại rạp. Việc dùng Netflix, Facebook, Shopify và Amazon theo đó sẽ giảm xuống. “Vậy thì tại sao lại xây dựng công ty như thể những hành vi trong thời gian đại dịch sẽ tồn tại mãi mãi?”, ông nói.

“Trước đây, các công ty luôn muốn tăng trưởng nhanh. Vì vậy, cần có những thay đổi khi doanh nghiệp chuyển hướng sang tăng trưởng bền vững. Chẳng hạn như, bạn có thể không cần quá nhiều nhân viên tiếp thị nếu ngân sách cho việc quảng cáo giảm”, Jefrey Joe, nhà đồng sáng lập kiêm đối tác quản lý tại Alpha JWC Ventures có trụ sở tại Indonesia cho biết.

Các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á phần lớn chưa có lãi, điển hình như Sea Group và Grab vẫn đang lỗ hàng tỷ USD mỗi năm. Các nhà sáng lập theo đó được cho là cần chuẩn bị tinh thần cho một "mùa đông công nghệ" khắc nghiệt, theo Jussi Salovaara, đồng sáng lập và đối tác quản lý của Antler ở châu Á.

Theo ông Kantrowitz, các công ty công nghệ mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của chiến dịch sa thải nhân sự. Meta, gã khổng lồ truyền thông xã hội đã thông báo cắt giảm hơn 11.000 người, tương đương 13% nhân sự trong đợt sa thải lớn đầu tiên trong lịch sử phát triển 18 năm.

Theo thông tin mới đây, một cuộc sa thải hàng loạt sắp diễn ra tại gã khổng lồ tìm kiếm Google. Được biết, công ty này đang lên kế hoạch đánh giá hiệu suất của nhân viên thông qua chương trình cải thiện hiệu suất và xếp hạng mới.

Trong khi đó, Twitter của Elon Musk sa thải gần một nửa số nhân sự qua email. Nhiều hãng công nghệ lớn khác cũng đang phải đối mặt với việc cắt giảm, trong đó có Amazon - tập đoàn đang phải tuyên bố "đóng băng tuyển dụng". Công ty gọi xe Lyft cũng cắt giảm 13% lực lượng lao động, tương đương 700 việc làm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhìn theo hướng tích cực, làn sóng cắt giảm nhân sự tại các công ty khổng lồ đang giúp lan tỏa "kho nhân tài" cho các công ty nhỏ hơn vốn đang trong giai đoạn đầu phát triển.

Apple vừa mất nhân tài quan trọng đã gắn bó 25 năm, làn sóng sa thải nhân sự cấp cao vẫn chưa có hồi kết?

Mỹ: Làn sóng sa thải "càn quét" ngành tin tức

Nhân viên Google tại Nhật Bản và Hàn Quốc 'nổi dậy' chống lại làn sóng sa thải

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Làn sóng sa thải đang lan sang ngành công nghệ ở Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS & INTECH