Láng giềng Việt Nam tăng trưởng hụt hơi, rủi ro thuế quan từ ông Trump bắt đầu 'gõ cửa' Đông Nam Á?
Ông Miguel Chanco, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á mới nổi tại Pantheon Macro Economics có trụ sở tại Anh cho biết nền kinh tế Philippines đã có một khởi đầu tương đối vững chắc trong năm 2025, nhưng nguy cơ lớn nhất vẫn đến từ cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Philippines tăng 5,4% trong quý I/2025, thấp hơn so với kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế. Đây là dấu hiệu cho thấy những bất ổn do căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là từ chính sách thuế của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã bắt đầu ảnh hưởng đến một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Mức tăng trưởng này nhỉnh hơn đôi chút so với con số điều chỉnh 5,3% của quý IV/2024, chủ yếu nhờ tiêu dùng hộ gia đình và chi tiêu Chính phủ. Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng tăng 5,3%, còn chi tiêu của nhà nước tăng mạnh tới 18,7% – cao hơn nhiều so với mức 9% của quý trước.
Mức lạm phát thấp cũng góp phần kích thích tiêu dùng – lạm phát đã giảm xuống chỉ còn 1,4% trong tháng 4. Tuy vậy, con số tăng trưởng vẫn thấp hơn dự báo trung bình khoảng 6% của giới phân tích.
Bất ổn toàn cầu phủ bóng kinh tế trong nước
Thứ trưởng Bộ Kinh tế kế hoạch Philippines, Rosemarie Edillon cho rằng kết quả quý I không hoàn toàn đáng thất vọng. “Có rất nhiều tầng lớp yếu tố đằng sau con số này và phần lớn xuất phát từ sự bất định trên toàn cầu”, bà nói.
Ông John Paolo Rivera, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines, nhận định mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng là do tiêu dùng tư nhân yếu hơn dự đoán và hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn trầm lắng. Ông từng đưa ra mức dự báo tăng trưởng ở mức “trung bình” từ 5,7% đến 6%.
“Chi tiêu trong mùa bầu cử và nhu cầu nội địa ổn định vẫn hỗ trợ tăng trưởng, nhưng môi trường bên ngoài – đặc biệt là việc Mỹ leo thang thuế quan – đang tạo ra nhiều rủi ro cho các ngành xuất khẩu và tâm lý nhà đầu tư”, ông Rivera nói với Nikkei Asia.
Ngày bầu cử giữa kỳ tại Philippines sẽ diễn ra vào ngày 12/5 tới, với các vị trí từ Hạ viện, Thượng viện đến các chính quyền địa phương.
Dù mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Philippines tương đối thấp (khoảng 17%), ông Rivera cảnh báo rằng sự không chắc chắn về thương mại có thể làm chậm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cản trở đà phục hồi của lĩnh vực sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Lạm phát, lãi suất và mục tiêu tăng trưởng
Ông Miguel Chanco, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á mới nổi tại Pantheon Macro Economics có trụ sở tại Anh cho biết nền kinh tế Philippines đã có một khởi đầu tương đối vững chắc trong năm 2025, nhưng nguy cơ lớn nhất vẫn đến từ cuộc chiến thương mại toàn cầu.
"Theo chúng tôi, yếu tố hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ nhất hiện nay là xu hướng giảm của lạm phát. Giá dầu toàn cầu đang lao dốc, và điều này có thể tạo dư địa để Ngân hàng Trung ương Philippines tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ", ông nói. Hiện lãi suất cơ bản tại nước này là 5,5%, sau khi được điều chỉnh giảm trong tháng 4 vừa qua.
Chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% đến 8% trong năm 2025 – tương tự mục tiêu năm ngoái nhưng đã không đạt, với mức tăng trưởng thực tế chỉ đạt 5,7% (số liệu đã điều chỉnh).
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ra thận trọng hơn khi hạ dự báo tăng trưởng của Philippines xuống còn 5,5%, giảm so với mức 6,1% trước đó.
Thứ trưởng Edillon cho biết các nhà điều hành kinh tế Philippines sẽ nhóm họp trong tuần tới để xem xét lại các mục tiêu tăng trưởng. Bà nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn có thể hỗ trợ phát triển thị trường vốn và giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, qua đó kích thích đầu tư. “Những điều chỉnh chính sách tích cực sẽ tạo động lực cho tăng trưởng trong trung hạn”, bà nói.
Ông Rivera cho rằng Chính phủ cần cân bằng giữa kỷ luật tài khóa và chi tiêu kích thích – nhất là trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, giáo dục và chuyển đổi số. Đồng thời, ông kêu gọi chú trọng tăng niềm tin nhà đầu tư, đa dạng hóa xuất khẩu và hỗ trợ các ngành dễ tổn thương trước biến động quốc tế.
Tham khảo Nikkei
Mỹ duyệt thương vụ bán tiêm kích hàng tỷ USD cho Philippines
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết hỗ trợ Philippines tăng cường năng lực răn đe